Phụ nữ được hưởng lợi khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực?
Ở các vùng nông thôn quan niệm “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn phổ biến, điều này dẫn đến nhiều trường hợp bố mẹ thường sẽ tặng đất cho con trai để khi về già có người chăm sóc, phụng dưỡng. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi và mở ra những cơ hội mới cho nhóm đối tượng phái yếu.
- 10-07-2024Từ 1/8, Luật Đất đai 2024 bỏ hộ gia đình khỏi các đối tượng thuộc người sử dụng đất, thay vào đó là cá nhân và tổ chức
- 09-07-2024Quy định mới nhất về 11 trường hợp áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024
- 09-07-2024TP HCM: Không để ách tắc hồ sơ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực
Phụ nữ chịu thiệt thòi về đất đai ?
Hiện nay, ở các vùng nông thôn quan niệm “trọng nam, khinh nữ” vẫn in sâu vào tiềm thức của con người, chính vì vậy dẫn đến nhiều trường hợp tâm lý chung của bố mẹ là nếu tặng cho đất thì thường sẽ tặng cho con trai để khi về già có thể chăm sóc, phụng dưỡng họ.
Thậm chí, nếu con trai đã lập gia đình thì bố mẹ chỉ tặng cho riêng con ruột , mà không tặng cho cả hai vợ chồng. Có những trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất do cả hai vợ chồng tạo lập trước khi đăng ký kết hôn, nhưng sổ đỏ chỉ đứng tên người chồng, dẫn đến quyền lợi của người vợ không được bảo đảm.
Hoặc, mặc dù tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, nhưng chỉ đứng tên người chồng và người vợ nghĩ rằng chỉ có ai đứng tên trên sổ đỏ mới có quyền định đoạt tài sản đó, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, nhận thức của người vợ trong quá trình đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ .
Đặc biệt, vấn đề phân chia di sản thừa kế liên quan đến di sản là đất đai , cũng không ngang bằng nhau giữa con trai và con gái trong gia đình, con gái đi lấy chồng sẽ không được chia, hoặc được chia nhưng ít hơn con trai.
Nhìn chung, những trường hợp nêu trên đa số người phụ nữ không biết hoặc biết nhưng không dám đấu tranh để đòi lại quyền lợi của mình. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Luật Đất đai 2024 đã hướng tới lồng ghép vấn đề giới trong nguyên tắc chung. Qua đó góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, giúp cả hai giới tiếp cận tốt hơn với các chính sách đất đai của Nhà nước, tiến tới công bằng, bình đẳng trong quản lý, sử dụng đất.
Ý nghĩa nhân văn của Luật Đất đai 2024 đối với phụ nữ
Trao đổi với Tiền Phong liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ: Luật Đất đai 2024 sửa đổi, mở ra cơ hội mới cho các nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong quản lý sử dụng đất đai.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đất đai 2024 , so với Luật Đất đai 2013 là bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai được quy định tại Điều 11 Luật Đất đai năm 2024.
Đặc biệt không thể không nhắc đến quy định nghiêm cấm “Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai”. Đây là quy định mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất, giảm thiểu khoảng cách vấn đề phân biệt về giới và góp phần bảo vệ người yếu thế trong quan hệ đất đai.
Những tiêu cực, hạn chế liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong quản lý sử dụng đất vẫn còn tồn tại khá phổ biến, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế.
Do đó, để quy định đi sâu vào thực tiễn của cuộc sống, cần phải có những biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao nhận thức của người sử dụng đất nói chung và nữ giới nói riêng, để người dân nói chung và nữ giới nói riêng nắm rõ được quyền lợi chính đáng của mình, từ đó có ý thức bảo vệ, hay thậm chí là đấu tranh cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cụ thể, phụ nữ không còn bị động trong vấn đề chia thừa kế, mà có thể mạnh dạn đứng tên thỏa thuận với các thành viên để chia di sản thừa kế một cách bình đẳng mà không bị người khác áp đặt ý chí.
Vợ chồng có quyền bình đẳng ngang nhau trong quản lý, sử dụng đất là tài sản do cả 2 cùng nhau tạo lập, đặc biệt là đối với những tài sản hình thành trước khi đăng ký kết hôn và quyền bình đẳng này thể hiện rõ nhất qua việc ghi nhận người tên người sử dụng đất thể hiện trên Giấy chứng nhận;
Yêu cầu bổ sung thêm thông tin người vợ vào sổ đỏ nếu sổ đỏ chỉ đứng tên một mình người chồng để ít nhất tạo ra sự rõ ràng về pháp lý và tạo tâm lý bình đẳng ngay ở mặt hình thức.
Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất cũng như hướng dẫn chi tiết hành vi nào là hành vi phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai và tương ứng với từng hành vi đó thì sẽ bị áp dụng chế tài gì để tổ chức thực hiện thuận lợi trong thực tiễn...
Tiền phong