MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phục hồi tăng trưởng tín dụng trông chờ mặt bằng lãi suất cho vay giảm hơn là các gói hỗ trợ lãi suất

10-05-2023 - 16:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Phục hồi tăng trưởng tín dụng trông chờ mặt bằng lãi suất cho vay giảm hơn là các gói hỗ trợ lãi suất

VDSC cũng lưu ý về khả năng trả nợ của doanh nghiệp hiện nay, với bức tranh khó khăn hơn cả giai đoạn Covid-19. Sau dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 chỉ 2%. Tuy nhiên trong 2 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 2,91%.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có Báo cáo vĩ mô tháng 5 với nhận định chất lượng nợ vay của hệ thống ngân hàng đang ở giai đoạn còn khó khăn hơn giai đoạn Covid-19.

Theo VDSC, tiếp nối chính sách giảm lãi suất điều hành trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tháng 4 thông qua việc ban hành các thông tư cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02/2023) và cho phép ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trong vòng 12 tháng (Thông tư 03/2023), sắp tới là dự thảo thông tư điều chỉnh giảm hệ số rủi ro đối với một số khoản vay tài trợ dự án bất động sản khu công nghiệp, cho vay mua nhà ở xã hội (dự thảo sửa đổi thông tư 41/2016).

Ba thông tư nhằm vào ba mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang bị tắc nghẽn. Trong đó, VDSC đánh giá tích cực nhất là thông tư cho phép cơ cấu lại nợ, hình thức về cơ bản là tương tự giai đoạn Covid-19, tuy nhiên đối tượng rộng hơn và thời gian kéo dài hơn 1 năm. Mặt được của chính sách là hỗ trợ doanh nghiệp và “che đậy” được chất lượng nợ vay trong giai đoạn khó khăn, nhưng rủi ro của chính sách có thể sẽ cao hơn giai đoạn Covid-19.

Trong giai đoạn Covid-19, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ luỹ kế là 722,3 nghìn tỷ đồng, khoảng 29% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tại thời điểm kết thúc chính sách (30/06/2022). Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống chỉ ở mức 2% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, nợ xấu của toàn hệ thống đang tăng nhanh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 2,91% tổng dư nợ vào cuối tháng 02/2023, và tổng nợ xấu gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn là 5%. Sau Covid-19, doanh nghiệp có một khoảng thời gian hồi phục khi nền kinh tế mở cửa trở lại cùng với cầu tiêu dùng nội địa và quốc tế tăng tốc, từ đó doanh nghiệp có khả năng trả nợ.

Bức tranh hiện tại khó khăn hơn khi thời gian và mức độ hồi phục kinh tế toàn cầu còn nhiều ẩn số. Ở khía cạnh thúc đẩy cầu tín dụng, nhóm phân tích trông chờ vào việc mặt bằng lãi suất cho vay giảm hơn là các gói hỗ trợ lãi suất gần đây. Hiện tại, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội tiếp tục đối diện với nhiều trục trặc về nguồn cung, lãi suất vay chưa hấp dẫn,… nên khó giải ngân. Tương tự, gói hỗ trợ lãi suất 2% dự kiến không sử dụng hết 37.430 trên quy mô 40.000 tỷ đồng và Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất chuyển sang chi hỗ trợ khác.

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên