Phúc thẩm vụ án VNCB: Bài học về quản lý tài chính
Ngày 3/1, phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại VNCB tiếp tục với phần xét hỏi.
- 30-12-2016Bà Trần Ngọc Bích yêu cầu VNCB trả 5.190 tỷ đồng và cả lãi phát sinh
- 28-12-2016Phiên tòa sáng 28/12: Đề nghị không dùng từ nhóm Trần Ngọc Bích; Dr.Thanh hoặc Tân Hiệp Phát
- 27-12-2016Đề nghị triệu tập ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích
- 09-09-2016Giải tỏa kê biên 124 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích và giao cho NH Xây dựng xử lý
Cơ quan tiến hành tố tụng xét hỏi làm rõ hành vi liên quan đến việc rút 5.190 tỷ đồng nhưng không có chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB 5.490 tỷ đồng.
Trong hành vi này, HĐXX xem xét kháng cáo của nhóm khách hàng gửi tiền, HĐXX cũng xem xét kháng cáo của các bị cáo liên quan.
Tại phần xét hỏi, luật sư Trần Minh Hải của Phạm Công Danh đã đặt các câu hỏi nhằm xác định lý do mà bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh và một số cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, sau đó lại vay ra và để trên tài khoản tiền gửi thanh toán với lãi suất thấp.
Ngay trong phần xét hỏi, vị luật sư này nhận định với mức lãi suất chênh lệch như vậy là tự gây lỗ cho mình với mức hàng trăm tỷ một năm và không có lý do gì để tự hy sinh lợi ích của mình như vậy. Vị luật sư và bị cáo được hỏi đặt vấn đề phải chăng nhóm khách hàng này chấp nhận lỗ như vậy là vì có được các lợi ích khác từ Phạm Công Danh?
Thực tiễn phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cho thấy đây không phải là vấn đề mới. Trong phiên tòa sơ thẩm trước đây, bà Trần Ngọc Bích đã giải thích tiền của các cá nhân dùng để đầu tư, kinh doanh, nếu gửi tiền không có kỳ hạn để có thể rút ra bất kỳ lúc nào thì sẽ được hưởng lãi suất rất thấp. Nhưng nếu gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài trên 1 năm, khi cần tiền sẽ thế chấp sổ tiết kiệm để vay ra thì sẽ được lợi hơn, mặc dù lãi suất tiền vay cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm với lý do kỳ hạn gửi tiết kiệm dài hơn kỳ hạn vay. Tổng số tiền được lợi theo phương án này cao hơn với trường hợp gửi tiền không kỳ hạn, đồng thời việc sử dụng các nguồn tiền được linh động hơn vì tiền vay trong trường hợp này có thể trả trước hạn khi cân đối được nguồn tiền.
Riêng trường hợp vay tiền, chịu lãi suất vay, khi chưa sử dụng tạm thời gửi vào tài khoản tiền gửi và chịu lãi suất chênh lệch cũng là câu chuyện hết sức bình thường khi vào những thời điểm trong năm các ngân hàng hay hạn chế giải ngân do hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, hạn chế về nguồn vốn hoặc các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác, hoặc khi khách hàng có nhu cầu cần giải ngân để chuẩn bị sẵn nguồn tiền để sử dụng ngay khi có nhu cầu.
Bà Trần Ngọc Bích đã trả lời về vấn gửi tiền tại phiên sơ thẩm.
Thực tế chứng minh vào dịp cuối năm rất nhiều ngân hàng tạm ngưng giải ngân vì hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, vì khó khăn về nguồn vốn.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia đã từng làm lãnh đạo cao cấp tại một số ngân hàng cho biết: Việc gửi kỳ hạn dài, vay lại kỳ hạn ngắn; đi vay kỳ hạn ngắn, gửi kỳ hạn dài với các mức chênh lệch lãi suất bất lợi hoặc chấp nhận chi phí để chuẩn bị sẵn thanh khoản, nguồn tiền là những nghiệp vụ quản lý tài chính sơ đẳng, là những bài học vỡ lòng cho những người quản lý tài chính.
Lợi nhuận phải tính tổng thể trong cả một thời gian dài, lãi suất chỉ là một trong các yếu tố, lãi suất không có ý nghĩa gì nếu không kèm theo thời hạn và đánh giá các nhu cầu khác. Việc tính toán lợi nhuận, tính toán sự hợp lý trong từng trường hợp cụ thể phải căn cứ vào tình hình thị trường, nhu cầu của người kinh doanh, khẩu vị rủi ro của từng người trên cơ sở dự đoán các biến động của thị trường… Không thể chỉ căn cứ vào sự chênh lệch lãi suất tại một thời điểm để phán xét nghiệp vụ đó hợp lý hay không.