Phường đông dân nhất Hà Nội, gấp đôi một thành phố vùng cao
Phường Hoàng Liệt thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) là địa bàn đông dân nhất Hà Nội với quy mô lên tới hơn 90.000 người, con số này gấp đôi số dân của thành phố Bắc Kạn.
- 10-11-2022Cập nhật top tỉnh thành thu nhiều tiền từ du lịch nhất: Một địa phương có doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng
- 09-11-2022Thaco đóng góp gần 15.000 tỷ đồng, một tỉnh có số thu ngân sách kỷ lục
- 09-11-2022Top tỉnh thành thu ngân sách lớn nhất miền Nam
Phường Hoàng Liệt nằm ở phía Tây Nam quận Hoàng Mai, là cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông quan trọng của thành phố. Phường có diện tích 4,85 km2, dân số hơn 90.000 người với khoảng gần 25.000 hộ dân. Hiện Hoàng Liệt là phường đông dân nhất Hà Nội, gấp đôi số dân của thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn, số liệu năm 2019).
Phường Hoàng Liệt là điển hình của nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học liên tục tăng, chung cư mọc lên san sát. Trong khi đó, hạ tầng xã hội không theo kịp.
Mật độ chung cư tại khu vực bán đảo Linh Đàm rất dày đặc. Điển hình như 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm có tới 40.000 dân, con số này gần bằng 2 phường bình thường của thành phố Hà Nội.
Hiện tại phường Hoàng Liệt cõng tới 85 tòa nhà chung cư nhưng con số này vẫn chưa dừng lại. Tại khu vực Tây Nam Linh Đàm, các công trình chung cư cao tầng vẫn đang tiếp tục mọc lên.
Bán đảo Linh Đàm từng được coi là quy hoạch kiểu mẫu, thuộc loại đẹp nhất và lớn nhất Hà Nội với diện tích 200 ha, trong đó hệ thống hồ nước rộng trên 70 ha bao quanh khu đô thị. Cách đây hơn chục năm, một căn chung cư ở Linh Đàm từng là mơ ước của nhiều gia đình trẻ có thu nhập thấp và trung bình mưu sinh ở Thủ đô.
Khu bán đảo Linh Đàm có 3 công viên, trong đó 2 công viên nằm giữa bán đảo và một công viên lớn nằm ven hồ trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ. Các công viên với nhiều cây xanh vừa góp phần điều hòa không khí vừa là nơi thư giãn của người dân trong khu vực.
Ngoài ra trên địa bàn phường Hoàng Liệt có hai ngôi chùa nổi tiếng phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân là chùa Tứ Kỳ và chùa Pháp Vân.
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, lại có mật độ dân số đông, hàng ngày có hàng chục nghìn lượt phương tiện giao thông qua lại trên địa bàn này, khiến chuyện tắc đường ở đây xảy ra như cơm bữa.
Đặc biệt mỗi khi có tàu chạy ngang, vào giờ cao điểm nút giao tại bến xe Nước Ngầm hướng vào bán đảo Linh Đàm trở lên ùn tắc nghiêm trọng.
Không chỉ riêng vấn đề giao thông, việc thiếu trường, thiếu lớp trên địa bàn phường này cũng hết sức nghiêm trọng. Mỗi năm trên địa bàn phường có khoảng 2.000 trẻ vào mầm non, nên sức ép về trường lớp trên địa bàn rất lớn. Mới đây nhiều phụ huynh đã phải bốc thăm để có suất học cho con tại trường công lập.
Thế nhưng, một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn phường Hoàng Liệt đó là những khu đất có vị trí đẹp "mọc" lên các tòa chung cư, biệt thự sang trọng còn đất xây dựng trường học lại bị quy hoạch vào những vị trí khó khả thi như trên đất nghĩa trang, ao đình.
Nhiều khu đất có tính khả thi cao như lô đất có ký hiệu CC6B Tây Nam Linh Đàm có diện tích 13.000 m2 được giao cho Tổng Công ty HUD được quy hoạch xây dựng trường học nhưng nhiều năm nay chưa thực hiện. Hiện tại lô đất này đã biến thành bãi để xe ô tô rộng lớn, có sức chứa đến cả nghìn xe.
Một khu đất khác cạnh tòa chung cư VP6, cũng được quy hoạch thành trường mầm non nhưng vẫn quây tôn bỏ hoang nhiều năm nay. Bà N.T.Thu Minh, một cư dân của tòa nhà VP6 cho biết, trước khi chuyển về đây sinh sống đã biết đến dự án trường mầm non này, bà cứ nghĩ các cháu nhỏ sẽ được học ngay gần nhà tuy nhiên sau nhiều năm dự án vẫn “đắp chiếu” khiến bà hết sức thất vọng.
Bên trong rào tôn cây dại mọc um tùm cao quá đầu người, gây lãng phí rất lớn mặc cho việc thiếu trường, thiếu lớp vẫn ngày càng trầm trọng. Vừa qua quận Hoàng Mai đã có kiến nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc thu hồi 12 lô đất do chủ đầu tư chậm triển khai ở phường Hoàng Liệt để xây trường mầm non, trường tiểu học và trung học. Trong đó, quận Hoàng Mai đề nghị Tổng công ty HUD bàn giao 7 lô đất để quận tự đầu tư trường công lập.
Bản đồ phường Hoàng Liệt.
Nhịp sống thị trường