MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phút cân não tới thống khổ của Tổng thống Trump trong quyết định không kích Iran

22-06-2019 - 11:40 AM | Tài chính quốc tế

Sự căng thẳng giữa những lời nói hiếu chiến và chính sách đối ngoại không can thiệp của Tổng thống Trump được thể hiện rõ trong Phòng Tình huống chiều 20/6, thời điểm ông Trump ra lệnh không kích Iran.

Quyết định trong áp lực

Khi một chiếc UAV giá gần 200 triệu USD của Mỹ bị bắn rơi trong khu vực mà họ mô tả là "không phận quốc tế", trách nhiệm đáp trả được đặt cả lên vai Tổng thống Donald Trump, Tổng tư lệnh của nước Mỹ. Cứng rắn và quyết đoán trong vấn đề kinh tế bao nhiêu, ông Trump lại tỏ ra chần chừ và lưỡng lự với quyết định này bấy nhiêu.

Chủ tịch Đối ngoại Thượng viện James Risch kể lại ông Trump không nghiêng về phía nào trong cuộc họp bàn ở Phòng Tình huống. Thay vào đó, ông ấy tập trung sâu vào quan điểm và lập luận của các bên. "Tuy nhiên, rõ ràng ông Trump là một tổng thống không muốn chiến tranh", vị Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Idaho, nhấn mạnh.

"Tôi thực sự thấy ông ấy đau khổ vật vã trong khoảnh khắc này", ông Risch nói với một nhóm nhỏ phóng viên về quyết định với Iran của Tổng thống Trump.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith, một người Dân chủ, cũng nhấn mạnh Tổng thống Trump thực sự vật lộn với quyết định đó. Tình thế tiến thoái lưỡng nan của ông Trump diễn ra khi nhóm phụ trách an ninh quốc gia gần như nhất trí hoàn toàn với việc cần phải trả đua Iran cho việc bắn rơi UAV của Mỹ.

Phút cân não tới thống khổ của Tổng thống Trump trong quyết định không kích Iran - Ảnh 1.

Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho biết suốt thời gian đó, ông Trump đã rất căng thẳng và nghiêm túc. Ông ấy hiểu rằng quân đội Mỹ không thể dự đoán trước cho ông về phản ứng của Iran nếu bị Mỹ không kích. Chính quyền Mỹ thì không muốn bắt đầu một cuộc chiến với quy mô lớn hơn, điều nhiều khả năng Tehran sẽ làm nếu các căn cứ quân sự của họ bị tấn công.

Ông Trump đã có quyết định cuối cùng. Dù không biết nó đúng hay sai nhưng rõ ràng, nó đã giúp máu không đổ vào thời điểm hiện tại. Ngày hôm sau, người Mỹ chuyển sang nói về các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả việc Iran bắn rơi chiếc UAV của Hải quân Mỹ.

"Chúng tôi có thêm các biện pháp trừng phạt để tiến hành. Chúng tôi chắc chắn sẽ trừng phạt bổ sung nhằm vào Iran. Tôi sẽ không nói rằng Tổng thống Trump đang nghĩ đến các phương án quân sự. Điều quan trọng là các biện pháp trừng phạt bổ sung đang được tính đến", một quan chức cấp cao của Chính quyền Trump nói với nhóm nhỏ phóng viên hôm 21/6.

Tuy nhiên, vị quan chức này cũng cảnh báo Tổng thống Trump chưa gạt bỏ hoàn toàn các phương án can thiệp quân sự. "Đó là lựa chọn mà Tổng thống luôn duy trì. Nó sẽ sẵn sàng chỉ sau một cuộc gọi của ông Trump", vị quan chức cho biết.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump tin rằng vụ bắn rơi máy bay Mỹ chỉ là sự "vô tình" của người Iran chứ không phải lỗi cố ý. Lỗi, được ông Trump đổ cho một vị tướng hoặc gã ngu ngốc nào đó. Tư duy thận trọng này cũng được ông Trump duy trì suốt cuộc họp trong Phòng Tình huống ở Nhà Trắng.

Hủy bỏ tấn công vì 150 mạng người

Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó tổng thống Mike Pence là 3 trong số những người muốn Tổng thống Trump đáp trả Iran bằng một vụ không kích. Theo một quan chức quân sự Mỹ có kiến thức về hoạt động này, nhóm các quan chức Mỹ khuyến nghị Tổng thống Trump nên tấn công 3 mục tiêu quân sự của Iran, trong đó có hệ thống radar và bệ phóng tên lửa, bằng các hoạt động chớp nhoáng trước bình minh.

Một quan chức cấp cao của chính quyền cho biết toàn bộ đội ngũ cố vấn quốc gia hàng đầu của Tổng thống Trump đều tin rằng việc không kích là "phản ứng thích hợp" cho việc Iran bắn rơi chiếc UAV của Mỹ. Tổng thống Trump cũng đã thuận theo ý họ nhưng sau đó lại yêu cầu hoãn tiến hành không kích.

Ông Trump không chỉ nghe lời khuyên từ nhóm cố vấn an ninh quốc gia. Ông ấy cũng đã nói chuyện với các cố vấn bên ngoài cũng như các thành viên thân thiện của Quốc hội, những người nhắc nhở ông Trump về cam kết đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến bất tận ở Trung Đông mà ông đưa ra khi tranh cử. Đó chính là lời thúc giục Tổng thống Trump nên kiềm chế.

Phút cân não tới thống khổ của Tổng thống Trump trong quyết định không kích Iran - Ảnh 2.

Tuy nhiên, trở lại với Phòng Tình huống, áp lực mà các cố vấn tạo ra cũng không nhỏ. Trong cuộc tranh luận, ông Bolton và các quan chức khác nói rằng việc Mỹ không trừng phạt Iran sẽ được coi như là sự cho phép Tehran và các nước khác tiếp tục cách hành xử tồi tệ.

Nửa tiếng trước khi quyết định không kích được thi hành, ông Trump đã triệu tập một cuộc họp với cố vấn và quan chức quân sự. Đây được cho là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Trump có thể rút lại quyết định mà ông rất vất vả mới có thể đưa ra trước đó.

"Họ đến trong khoảng nửa giờ trước vụ tấn công và họ nói rằng: Thưa ngài, chúng tôi đã sẵn sàng để đi. Chúng tôi muốn có quyết định cuối cùng. Tôi bảo rằng: "Tôi muốn biết một vài điều trước khi xuất kích. Tôi hỏi bao nhiêu người Iran sẽ bị giết trong vụ không kích và họ bảo rằng khoảng 150 người", ông Trump chia sẻ gới NBC về quyết định của mình.

"Suy nghĩ trong một giây, tôi bảo rằng: Các bạn biết gì không. Họ đã bắn hạ một máy bay không người lái của chúng ta, một chiếc máy bay hay bất cứ tên gọi của nó là gì. Và ở đây, chúng ta đang nói đến việt giết chết 150 người. Tôi không thích điều đó. Tôi không nghĩ đó là đáp trả tương xứng", ông Trump nói thêm.

Quyết định cuối cùng được đưa ra vài phút trước vụ không kích. Ngoài vấn đề mạng người, ông Trump cũng lo ngại việc leo thang xung đột với Iran có thể khiến Chính quyền của ông rơi vào tình huống giống như ở Iraq, điều mà ông thường xuyên chỉ trích. Các trợ lý cũng tiết lộ Tổng thống Trump hoàn toàn thoải mái với quyết định của ông ấy.

Linh Anh

CNN

Trở lên trên