PMI ASEAN tháng 4 tăng mức 51,9 điểm, với Việt Nam có mức tăng cao nhất
Theo báo cáo của IHS Markit về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), trong tháng 4, các điều kiện sản xuất của ASEAN cải thiện với tốc độ nhanh hơn đáng kể. Đây cũng là mức cải thiện nhanh nhất kể từ tháng 7/2014.
- 05-05-2021Thu ngân sách tỉnh Quảng Nam 4 tháng đầu năm đạt gần 9.500 tỷ đồng
- 04-05-2021Đối tượng nào được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí?
- 04-05-2021Loạt doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số đổ vào Đông Nam Á, cạnh tranh ngày càng gay gắt
Nhân tố chính dẫn đến kết quả hoạt động tốt hơn của lĩnh vực sản xuất là sản lượng tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2014, và mức tăng mạnh nhất của số lượng đơn đặt hàng mới kể từ tháng 5/2013. Đồng thời, niềm tin kinh doanh tiếp tục cải thiện khi các công ty có thái độ lạc quan nhất trong một năm qua về triển vọng sản lượng năm tới.
Chỉ số PMI toàn phần đạt trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp, sau khi tăng từ 50,8 điểm trong tháng 3 lên 51,9 điểm trong tháng 4, cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất ASEAN có mức cải thiện nhanh nhất kể từ tháng 7/2014. Nhìn chung, đây là mức cải thiện vừa phải, báo cáo viết.
Trong số 7 quốc gia khảo sát, Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh nhất với chỉ số PMI toàn phần gần đạt mức 54,7 điểm, cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Ngay sau là là Indonesia, nơi có PMI đạt mức cao kỷ lục (kể từ đầu năm 2011) là 54,6 điểm, và các điều kiện sản xuất tổng thể cũng cải thiện đáng kể.
Nguồn: IHS Markit.
Tăng trưởng cũng được ghi nhận ở Malaysia, nơi chỉ số toàn phần đã leo lên trên mức trung tính 50 điểm lần đầu tiên trong 10 tháng và chỉ là lần thứ hai kể từ tháng 9/2018. Với kết quả 53,9 điểm, tốc độ tăng trưởng cũng là nhanh nhất trong lịch sử chỉ số (kể từ giữa năm 2012). Tương tự, Thái Lan ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 4. Tuy nhiên, chỉ số toàn phần (50,7) chỉ cho thấy mức tăng trưởng nhẹ.
Cả Singapore và Philippines đều tiếp tục suy giảm trong tháng 4. Với Singapore, chỉ số toàn phần (49,5) cho thấy các điều kiện sản xuất giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái, nhưng mức giảm chỉ là nhẹ. Ở Philippines, đây là lần suy giảm đầu tiên trong 4 tháng và mặc dù chỉ là giảm nhẹ, vẫn là mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 10/2020 với 49 điểm.
Myanmar lại ghi nhận mức suy thoái mạnh nhất trong 7 quốc gia khảo sát khi tình trạng đóng cửa nhà máy trong bối cảnh bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng nặng nề lên lĩnh vực sản xuất. Chỉ số PMI tăng thành mức cao của ba tháng là 33 điểm, nhưng vẫn phản ánh mức suy giảm đáng kể.
Nguồn: IHS Markit.
Dữ liệu của tháng 4 cũng cho thấy áp lực sản xuất vẫn còn tại các nhà máy sản xuất hàng hóa ASEAN, khi lượng công việc tồn đọng tăng nhẹ tháng thứ hai liên tiếp. Các công ty tiếp tục giảm nhẹ việc làm trong tháng 4.
Về mặt giá cả, gánh nặng chi phí lại tăng đáng kể khi tỷ lệ lạm phát là nhanh nhất kể từ tháng 11/2013. Kết quả, các công ty đã tăng giá bán hàng trung bình với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2018.
Nhìn về tương lai, các nhà sản xuất vẫn lạc quan về sản lượng trong năm tới. Trên thực tế, mức độ lạc quan là mạnh nhất kể từ tháng 1/2020.
Nhận định về kết quả khảo sát, ông Lewis Cooper, chuyên gia kinh tế tại IHS Markit cho biết: "Dữ liệu PMI trong tháng 4 cho thấy kết quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất ASEAN đã được cải thiện nhiều với những dấu hiệu rõ ràng rằng quá trình phục hồi đã bắt đầu và lĩnh vực sản xuất bắt đầu hướng tới bù đắp lại những gì đã mất".