MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Project Syndicate: Muốn nền kinh tế phục hồi nhanh, đừng cứu các công ty "xác sống"!

"Những người ra quyết định nên tuyệt đối tránh hỗ trợ các công ty 'xác sống' (những con zombie trong nền kinh tế với các mô hình kinh doanh không khả thi). Để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ, cần một sân chơi bình đẳng cho các công ty tư nhân" - ông Philippe Le Houérou, Giám đốc điều hành của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới nói.

Đối với hầu hết các quốc gia, việc xử lý cuộc suy thoái kinh tế kéo dài do Covid-19 gây ra đang giống với một cuộc chạy marathon hơn là chạy nước rút. Theo ước tính của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm 700 tỷ USD và 250 tỷ USD trong năm nay. 

Tệ hơn nữa, cuộc khủng hoảng đang gây thiệt hại lớn cho những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, gây nguy hiểm cho những thành tựu phát triển của nhân loại. Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng: Chúng ta sắp chứng kiến ​​sự gia tăng nghèo đói đầu tiên trên toàn cầu kể từ năm 1998, với 100 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực.

Cách các chính phủ và doanh nghiệp xử lý cú sốc này sẽ là một phép thử, để xem liệu quốc gia có nền tảng kinh tế vững chắc để phục hồi việc làm, tăng trưởng dài hạn và các nỗ lực phát triển toàn cầu hay không. 

Tình hình hiện tại đòi hỏi chúng ta phải tái cơ cấu thị trường. Nhiều công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc định hình lại mô hình kinh doanh của họ, khi đại dịch đang thay đổi cách chúng ta làm việc, tiêu dùng và giao tiếp. Những xu hướng này có thể định hình lại toàn bộ các ngành công nghiệp, tạo cơ hội cho những người có năng lực đổi mới.

Nhưng các chính phủ cũng phải tìm kiếm những cách thức sáng tạo để thích ứng với nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đồng thời bảo vệ các doanh nghiệp có khả năng sống sót. Đây sẽ là thời điểm thử thách, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự thực dụng từ phía các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Các quốc gia có thể làm 3 điều sau để tăng tốc độ phục hồi. 

Nhiệm vụ đầu tiên là điều chỉnh các quy tắc kinh doanh theo thực tế bình thường mới mới. Một cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ khiến các nền kinh tế mới nổi nhận ra họ không đủ khả năng để cứu giúp hàng nghìn công ty bị ảnh hưởng. Các chính phủ có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có khả năng sống sót vượt qua cơn bão Covid-19 và tránh các quy trình pháp lý rườm rà.

Thứ hai, các chính phủ phải áp dụng nguyên tắc "không gây hại". Tức là bất cứ khi nào có thể, khu vực công nên hạn chế hoặc hoãn việc truy thu đối với các nhà thầu tư nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm và gắn với các chuỗi cung ứng quan trọng. Điều đó sẽ giảm thiểu thiệt hại cho bảng cân đối kế toán, ngăn ngừa các doanh nghiệp khả thi bị phá sản và hạn chế các loại tác động có thể làm trì hoãn việc phục hồi.

Ở châu Phi cận Sahara, các khoản nợ của khu vực công chiếm tới 3,3% GDP. Việc giải tỏa chúng có thể tạo ra tác động tương đương với một gói kích thích lớn. Đồng thời, những người ra quyết định nên tuyệt đối tránh hỗ trợ các công ty "xác sống" (những con zombie trong nền kinh tế), với các mô hình kinh doanh không khả thi. Để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ, cần một sân chơi bình đẳng cho các công ty tư nhân.

Cuối cùng, tất cả các quốc gia cần phải cân nhắc lại chiến lược chi tiêu của họ. Một số lĩnh vực và ngành công nghiệp nên được củng cố, và những ngành khác nên được loại bỏ dần. Ví dụ, khi các quốc gia và thị trường chuyển sang các dạng năng lượng sạch, việc tiếp tục trợ cấp cho các ngành năng lượng "bẩn" sẽ phản tác dụng.

Suy thoái kinh tế Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và công việc. Nhưng vẫn có hy vọng cho một sự phục hồi mạnh mẽ, miễn là chúng ta rút được kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Các nhà hoạch định chính sách cần phải tập hợp tất cả sự sáng tạo của mình để giữ cho khu vực tư nhân phát triển và chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho các công ty quay trở lại.

Tác giả Philippe Le Houérou là Giám đốc điều hành của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung vào khu vực tư nhân ở các nước đang phát triển.

H.A

Project Syndicate

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên