PV GAS đứng thứ 6 trong Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019
Dẫn đầu Bảng xếp hạng Profit500 năm nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV Gas xếp thứ 6.
Ngày 25/9/2019, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng Profit500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 - nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế.
Dẫn đầu bảng xếp hạng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV GAS xếp thứ 6. Ngành Dầu khí còn có các đại diện lọt vào 100 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất như: Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro – xếp thứ 29, Tổng công ty CP Dịch vụ Dầu khí Việt Nam – thứ 89, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí – thứ 90, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – thứ 98.
Top 10 doanh nghiệp đứng đầu Pofit500 2019
Trong năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trở lại, trong bối cảnh đó tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, khả năng sinh lời tăng, năng lực cạnh tranh có nhiều cải thiện. Tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước và giữa các ngành.
Xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời (ROA - tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit500, có thể thấy, nhìn chung ROA bình quân của các doanh nghiệp Profit500 khoảng 11,9% có xu hướng tăng nhẹ từ mức 11% trong Bảng xếp hạng năm 2018. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của các doanh nghiệp Profit500 đang được cải thiện trong thời gian qua. Chỉ số ROE (khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của công ty) bình quân của các doanh nghiệp Profit năm nay cũng tăng lên 20,9% (so với mức 19% năm 2018), cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Profit500 có chiều hướng tốt hơn (cao hơn mức chuẩn so với chuẩn quốc tế - thông thường doanh nghiệp có ROE ≥ 15% được đánh giá là doanh nghiệp tốt).
Xét theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp trong nước trong Bảng xếp hạng Profit 2019 có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI trong Bảng xếp hạng Profit500 năm 2019 có hiệu quả sử dụng tài sản đạt khoảng 17% so với mức 11,5% và 12,7% tương ứng của Khối nhà nước và Ngoài nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cũng vượt trội, với ROE của khối này là 26,4% so với mức 17,6% của khối DNNN. Sự chênh lệch nhiều về khả năng sinh lời cho thấy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mặc dù có cải thiện trong vài năm qua nhưng vẫn còn ở mức thấp và nếu không cải thiện sẽ bị tụt hậu so với các doanh nghiệp FDI năng động và hiệu quả.
Thêm một nội dung của việc xếp hạng Profit500 2019 là việc khảo sát ý kiến doanh nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh. Về cơ bản các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay khởi sắc hơn năm trước. Có 82% số doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2019 dự kiến sẽ tăng lên so với năm 2018 và có 79% cho rằng Lợi nhuận sau thuế cũng tăng lên so với năm 2018 trước đó. Nhìn chung các doanh nghiệp đánh giá cao việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và kỳ vọng kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2019 này.
Lễ tôn vinh và công bố danh sách chính thức Bảng xếp hạng Profit500 năm 2019 dự kiến được tổ chức vào ngày 06/11/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP. Hà Nội.