PVN mất gần 800 triệu USD vì đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội cho biết hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Tập đoàn có 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công, tổng thiệt hại khoảng 773 triệu USD.
- 22-05-2019Kiểm toán Nhà nước: Nhiều dự án ODA đội vốn nghìn tỷ, hiệu quả chưa tương xứng
- 22-05-2019Lý giải việc chậm triển khai 2 siêu dự án, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết: Do Luật Đầu tư công
- 22-05-2019“Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc làm rõ giá điện để dân yên tâm“
Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty (TCty) không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể.
Cụ thể, luỹ kế đến 31/12/2017, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí lỗ 3.377 tỷ đồng; CTCP Kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội số 68 là 51 tỷ đồng, 5/21 công ty con của Viglacera lỗ 81 tỷ đồng… Riêng năm 2017 CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) thuộc MobiFone lỗ 73 tỷ đồng.
Các công ty bị âm vốn chủ sở hữu có thể kể đến như CTCP Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí 1.780 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam 172 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỷ đồng… Còn Công ty TNHH Vận tải Sông Sài Gòn thuộc Samco đang thực hiện thủ tục giải thể.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều khoản đầu tư, góp vốn của các tập đoàn, Tcty thua lỗ.
Đơn cử như tại PVN, 7/11 công ty ngoài ngành kinh doanh chính lỗ lũy kế lớn; PTSC có 5 đơn vị (khoản đầu tư)/20 đơn vị lỗ lũy kế; Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí: 3 đơn vị lỗ 101 tỷ đồng; Công ty mẹ - PVoil: 11/45 đơn vị lỗ; CTCP Gang thép Thái Nguyên gần mất vốn đầu tư tại 3 đơn vị; CTCP Kim Khí TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào 2/2 đơn vị đều thua lỗ…
Một số đơn vị, theo Kiểm toán Nhà nước, đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; góp vốn, sở hữu chéo với các doanh nghiệp trong cùng TĐ, TCT, góp vốn vượt giới hạn không đúng quy định; lập báo cáo giám sát chưa đầy đủ chưa ban hành quy chế người đại diện vốn.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Theo đó, 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án, tổng chi phí 773 triệu USD.
Đặc biệt dự án Danan - Iran và Dự án Junin 2 - Venezuela dừng, giãn tiến độ mặc dù đã đầu tư 660 triệu USD. 2 dự án tại Peru (đã đầu tư 849 triệu USD) đang xin chủ trương chuyển nhượng.
PVN cũng bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là đã chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, dự án Lô 67 chuyển vượt 142 triệu USD, dự án SK 305 chuyển vượt 15 triệu USD. Tại thời điểm chuyển vốn đầu tư, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài chưa quy định về hạn mức chuyển vốn.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết từ ngày 13/8/2016, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN có hiệu lực, tại Khoản 6 Điều 15 quy định "Tổng số tiền chuyển ra nước ngoài... không vượt quá tổng vốn đầu tư ra nước ngoài bằng tiền theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài" và tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 124/2017/NĐ-CP cũng có quy định "Nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án dầu khí nước ngoài trong hạn mức vốn đầu tư ra nước ngoài ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài" nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh.