MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PwC: Doanh nghiệp Việt có cơ hội giải phóng lượng tiền mặt lên đến 4 tỷ USD

Chu kỳ tiền của doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 68 ngày cho năm tài khóa 2017, cao gấp 2 lần hoặc hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, theo nghiên cứu mới nhất của PwC Việt Nam, thực hiện với 400 doanh nghiệp lớn nhất tính theo doanh thu niêm yết trên HOSE và HNX.

Theo đánh giá của PwC Việt Nam về hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại Việt Nam, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong 4 năm qua đang tồn tại nhiều mối lo ngại.

Đơn cử như tỷ suất sinh lời trên vốn sử dụng suy giảm, biên lợi nhuận hạn chế. Nghiên cứu của PwC cho thấy với các chính sách tiền tệ phù hợp và nguồn vốn FDI dồi dào, các doanh nghiệp đã tăng trưởng nhanh qua các năm, đạt mức 6,1% một năm cho giai đoạn 2013-2017.

Nhưng dù con số này phản ánh tốc độ phát triển tốt của nền kinh tế về tổng thể, mức tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn này của các doanh nghiệp này vẫn ghi nhận ở mức hạn chế. Mặt khác, tỷ suất sinh lời trên vốn sử dụng (ROCE) của các doanh nghiệp suy giảm dù tỷ lệ nợ trên vốn ngày một cao, chủ yếu do gia tăng vay mượn để đầu tư tài sản cố định.

Hay chu kỳ tiền mặt, tức số ngày trung bình doanh nghiệp cần để chuyển đổi nguyên liệu đầu vào thành dòng tiền từ hoạt động đã kéo dài đáng kể. Cụ thể là đã tăng thêm 6 ngày trong vòng 4 năm qua. 

Nguyên nhân, theo PwC là do vốn lưu động sử dụng để tạo ra doanh thu đang ngày một tăng. Tuy nhiên, lượng vốn này chủ yếu xuất phát từ việc vay mượn, hơn là từ lượng tiền được giải phóng tiền qua các nỗ lực cải thiện hoạt động nội tại.

PwC đánh giá Việt Nam còn nhiều hạn chế trong quản lý vốn lưu động so với các khu vực quản lý khác.

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam có chu kỳ tiền mặt cao hơn các khu vực phát triển như Mỹ, châu Âu từ 10 tới 40 ngày, và hơn các nước trong khu vực châu Á khoảng 15 ngày.

Nguyên nhân chính được PwC chỉ ra là từ sự thiếu hiệu quả trong sử dụng vốn lưu động của các nhóm ngành như kỹ thuật & xây dựng, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng.

Báo cáo PwC cho biết chỉ 6/14 ngành nghiên cứu cải thiện được năng lực quản lý vốn lưu động trong 4 năm qua. 

PwC cho biết tồn đọng trong vốn lưu động thuần của các doanh nghiệp nghiên cứu vào khoảng 10 tỷ USD. Cơ hội giải phóng tiền mặt, theo PwC lên tới 40% giá trị tồn đọng trên, tức khoảng 4 tỷ USD, nếu các doanh nghiệp này đạt được chu kỳ tiền mặt của nhóm 25% doanh nghiệp đứng đầu hiệu quả sử dụng vốn lưu động tối ưu.

Các nhóm ngành như kỹ thuật & xây dựng, hàng tiêu dùng và kim loại & khai khoáng có lượng tiền mặt tồn đọng trong vốn lưu động lớn nhất và cũng là nhóm sở hữu cơ hội giải phóng tiền mặt nhiều nhất, chiếm khoảng 50% tổng giá trị ước tính.

"Chuỗi cung ứng chưa hiệu quả, cùng với sự thay đổi không ngừng nghỉ của môi trường và phương thức giao dịch, đi kèm với các giải pháp thanh toán tài chính chưa được tối ưu hóa là những lí do quan trọng nhất dẫn tới sự tụt hậu trong hoạt động quản lý vốn lưu động từ doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp khác trong khu vực và trên toàn thế giới", ông Mohammad Mudasser, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam nhận xét.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên