MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

QCG, DXS, PDR... "bung lụa" phiên đầu tuần: DN BĐS qua cơn bĩ cực nhờ chính sách, một hiện tượng lần đầu tiên xảy ra trong nhiều năm trở lại đây

17-07-2023 - 16:16 PM | Doanh nghiệp

QCG, DXS, PDR... "bung lụa" phiên đầu tuần: DN BĐS qua cơn bĩ cực nhờ chính sách, một hiện tượng lần đầu tiên xảy ra trong nhiều năm trở lại đây

"Lần đầu tiên sau nhiều năm trở lại đây, các chủ đầu tư dự án thể hiện rõ thiện chí bán hàng với hàng loạt các chính sách kích cầu hấp dẫn" - Hội môi giới BĐS báo cáo,

Phiên đầu tuần ngày 17/7/2023, thị trường tiếp đà tăng điểm và cải thiện thanh khoản. Đặc biệt, nhóm bất động sản đã hút mạnh dòng tiền và thăng hoa. Loạt mã Mid/Small cap nhanh chóng kịch trần.

Cổ phiếu bất động sản tăng mạnh

Trong đó QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai có thêm một phiên dư mua và chốt tại mức trần 9.110 đông/cp. Ghi nhận, thị giá QCG 2 tháng trở lại đây giao dịch với nhiều phiên trần - sàn liên tục, điều này đã được nhiều cổ đông ý kiến tại Đại hội.

Tính đến nay, giá QCG đã tăng hơn 120% so với mức đáy thiết lập hồi trung tuần tháng 5/2023. Dù rằng, kinh doanh của QCG vẫn chưa khả quan, Công ty chưa có câu trả lời cụ thể về kế hoạch tiếp theo sau khi thắng kiện Sunny Island.

Tăng liên tục còn có mã DXS của CTCP Dịch vụ bất động sản Đất Xanh. Chốt phiên hôm nay, DXS đã vượt mệnh giá với thanh khoản hơn 4 triệu cổ phiếu, tăng hơn 60% chỉ sau 2 tháng.

Hút mạnh dòng tiền còn có mã PDR của CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt - tăng 2,6% lên mức 19.400 đồng/cp; “ông lớn” Vinhomes - VHM, Novaland – NVL… cũng tăng từ 1,5 - 2%.

Đà bứt phá của cổ phiếu địa ốc diễn ra trong bối cảnh công cuộc “giải cứu” ngày càng được đẩy mạnh. Các chính sách dần được tháo gỡ và đặc biệt bản thân các doanh nghiệp cũng tự lên nhiều chương trình kích cầu trở lại.

QCG, DXS, PDR... "bung lụa" phiên đầu tuần: DN BĐS qua cơn bĩ cực nhờ chính sách, một hiện tượng lần đầu tiên xảy ra trong nhiều năm trở lại đây - Ảnh 1.

QCG, DXS, PDR... "bung lụa" phiên đầu tuần: DN BĐS qua cơn bĩ cực nhờ chính sách, một hiện tượng lần đầu tiên xảy ra trong nhiều năm trở lại đây - Ảnh 2.

Loạt mã Mid/Small cap nhanh chóng kịch trần.

"Lần đầu tiên sau nhiều năm, các chủ đầu tư bất động sản thể hiện sự thiện chí với người mua nhà"

Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam vừa công bố có đánh giá: “Lần đầu tiên sau nhiều năm trở lại đây, các chủ đầu tư dự án thể hiện rõ thiện chí bán hàng với hàng loạt các chính sách kích cầu hấp dẫn như chiết khấu, khuyến mại, hỗ trợ lãi suất trong thời gian dài, đặc biệt là nhận nhà sớm và kéo dài thời gian thanh toán”.

Cũng theo báo cáo, tình hình giao dịch, mức giá tại thị trường thứ cấp có sự phân hóa theo phân khúc giá. Các sản phẩm có giá trị cao hơn 20 tỷ đồng ghi nhận mức cắt giảm lên tới 30% so với đỉnh. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn nhiều so với mức giá mua ban đầu từ chủ đầu tư.

Đặc biệt, các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, mức giá dưới 3 tỷ đồng, đã ghi nhận giao dịch trở lại với mức giá tăng nhẹ so với quý 1/2023. Hiệp hội nhấn mạnh, đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các khách hàng có sẵn dòng tiền cần mua bất động sản có mục đích ở thật và đầu tư trong dài hạn.

Một số DNNY cũng đã có số ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tương đối khả quan.

"Cơn bĩ cực" đã qua đi

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) cho biết thống kê nửa đầu năm, doanh nghiệp lãi khoảng 384 tỷ đồng, tương đương 56,5% kế hoạch lợi nhuận năm. Năm 2023, Phát Đạt đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.800 tỷ đồng – giảm 48% và lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỷ, giảm 41% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2022.

Theo Chủ tịch Phát Đạt, thời gian qua, ngành bất động sản Việt Nam đã rơi vào bối cảnh thách thức nhất trong hơn một thập kỷ. Do đó, Công ty đã tiến hành tái cơ cấu một số khoản đầu tư trong năm và mua lại nhiều lô trái phiếu trước thời hạn và tất toán các khoản vay đến hạn.

"Tôi tự tin rằng giai đoạn khó khăn nhất của Phát Đạt đã đi qua. Quý 2/2023 Công ty lãi hơn 360 tỷ. Từ nay đến cuối năm, Danh Khôi sẽ trả tiếp 1.500 tỷ", Chủ tịch Phát Đạt nói.

Hay Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC) cũng vừa cho biết doanh thu thuần hợp nhất toàn Tổng Công ty ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, riêng Công ty mẹ đạt gần 3.000 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế ước đạt 913 tỷ đồng, tương đương 75% lợi nhuận cả năm 2023.

Trong đó, đóng góp chính vẫn đến từ lĩnh vực bất động sản (đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp) khi ghi nhận nhiều khởi sắc, với kết quả doanh thu khối bất động sản dự kiến ước đạt hơn 2.600 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 950 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cần nhấn mạnh, lợi nhuận của Viglacera gồm 310 tỷ đồng cổ tức thu từ công ty liên kết.

Nhìn chung, các cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ đã phát huy tác dụng “động viên”, “khích lệ”, “trấn an tinh thần” cho các chủ thể tham gia thị trường. Tuy nhiên, theo Hiệp hội BĐS, đã đến lúc cần phải gấp rút chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

“Giai đoạn tác động trực diện giống như bác sĩ trước cuộc phẫu thuật. Ngay sau khi động viên tinh thần, trấn an bệnh nhân phải nhanh chóng tiến hành các thao tác thủ thuật. Bởi chỉ khi nào cuộc phẫu thuật thành công thì lúc đó vấn đề của người bệnh mới được giải quyết dứt điểm. Càng để lâu, càng chần chừ, càng gây nguy hiểm cho người bệnh”, báo cáo ghi.

Theo Hiệp hội, “Nguồn vốn – Quỹ đất – Chính sách” tạo thế kiềng ba chân. Nhưng không phải là trụ đỡ giúp thị trường vực dậy mà đang như trụ lưới bủa vây thị trường, khiến thị trường chưa thể thoát ra được. Hiệp hội cũng đánh giá “việc khơi thông nguồn cung” cho các sản phẩm nhà ở giá bình dân, phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân đang là chìa khóa để mở cánh cửa cho thị trường bất động sản thời điểm này.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên