Quả bom nghìn tỷ USD đang chờ phát nổ ở Trung Quốc
Nếu không quản lý sát sao, những khoản đầu tư mờ ám trị giá hàng nghìn tỷ USD có thể đẩy kinh tế Trung Quốc vào khủng hoảng.
- 14-05-2015"Quả bom" 364 tỷ USD trong các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc
- 13-12-2012WMP: Chiêu mới của ngân hàng Trung Quốc
Một công ty đầu tư ở Thượng Hải đã đưa ra cam kết sẽ đem đến cho nhà đầu tư mức lợi nhuận lên đến 10% một năm - con số làm lu mờ thị trường chứng khoán và lãi suất ngân hàng. Công ty này yêu cầu số tiền đầu tư tối thiểu vào khoảng 15 USD, khiến bất cứ ai cũng có thể tham gia. Các nhà đầu tư có thể rút tiền chỉ sau 7 ngày. Quan trọng nhất, tiền đầu tư được bảo lãnh.
Các ưu đãi trên nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng có một vấn đề: nhà đầu tư không biết tiền của mình sẽ được rót vào đâu.
Công ty nói trên, State Gold Treasure, cho biết tiền sẽ được đầu tư vào một công ty bất động sản đang xây một tổ hợp chung cư cao cấp ở Thượng Hải. Nhưng công ty này không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào, kể cả điều đơn giản như địa chỉ của tổ hợp chung cư.
Trường hợp trên chỉ là một trong vô vàn những khoản đầu tư mờ ám, không được quản lý, nhưng đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn cho hệ thống tài chính Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại rằng, khi nền kinh tế nước này giảm tốc, nhiều quỹ đầu tư sẽ sụp đổ. Và chính phủ có thể không biết làm thế nào để xử lý cú sốc này với hệ thống tài chính.
Trong 5 năm qua, nhà đầu tư Trung Quốc đã rót ít nhất 2,8 nghìn tỷ USD vào các quỹ đầu tư thuộc sở hữu của ngân hàng. Sau khi tăng gấp 5 lần kể từ năm 2011, những khoản đầu tư này, còn được gọi là sản phẩm quản lý tài sản, hiện nay có giá trị bằng 1/3 GDP cả nước. Hoạt động đầu tư trên vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc.
Đấy là mới nói đến những quỹ đầu tư được quản lý bởi các ngân hàng. Còn nhiều công ty khác như State Gold Treasure đang bán sản phẩm quản lý tài sản, nhưng vẫn chưa được biết đến.
Vấn đề của Trung Quốc là phần lớn số tiền trên đang đổ vào các ngành làm ăn yếu kém như xây dựng và bất động sản. Sự sụp đổ của các khu vực này có thể gây ra những chấn động kinh hoàng cho nền kinh tế.
Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc đã ra tay để ngăn chặn sự đổ vỡ của các sản phẩm quản lý tài sản, nhằm tránh hiệu ứng dây chuyền và xoa dịu cơn giận dữ của nhà đầu tư. Nhưng không phải tất cả nhà đầu tư đều được giải cứu.
Li Wenyuan, một bác sĩ ở Bắc Kinh, cho biết năm ngoái cô đã đầu tư gần 140.000 USD vào một sản phẩm quản lý tài sản gắn với một công ty thép. Sau khi công ty làm ăn thua lỗ, cô được trả lãi chưa đến 2.000 USD. Trước đó, cô đã lên kế hoạch dùng toàn bộ tiền đầu tư gốc để gửi con trai đến học cấp 3 ở Canada, nơi có không khí sạch hơn và giúp con cô cải thiện tiếng Anh.
“Đó là một tổn thất lớn cho gia đình tôi. Chúng tôi vẫn có thể xoay xở được. Nhưng đó là một số tiền lớn và tôi ngờ rằng mình sẽ không bao giờ lấy lại được tiền. Tôi rất lo lắng”, cô chia sẻ.
Sản phẩm quản lý tài sản là một phần trong hệ thống đầu tư và ngân hàng ngầm khổng lồ của Trung Quốc. Nhiều người tìm đến hệ thống này để vay vốn làm ăn. Ngày càng có nhiều quan ngại về việc điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống này sụp đổ và chính phủ có thể phản ứng lại như thế nào.
“Rủi ro trong hệ thống này đang lớn dần lên, và quan trọng hơn, nhiều hệ lụy nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu hệ thống sụp đổ”, David Daokui Li, kinh tế gia của đại học Thanh Hoa, đồng thời là thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết. “Nhiều khả năng sẽ có một cuộc khủng hoảng xảy ra. Câu hỏi là khủng hoảng sẽ lớn hay nhỏ”.
Sản phẩm quản lý tài sản của Trung Quốc không phải là chứng khoán, trái phiếu hay quỹ tương hỗ. Một sản phẩm quản lý tài sản điển hình thường cam kết lợi nhuận cố định trong một kỳ hạn định trước. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc xem chúng như tài khoản tiền gửi ở ngân hàng vì chúng được bán bởi các ngân hàng quốc doanh. Các ngân hàng sẽ chống lưng cho các quỹ này trên danh nghĩa. Nhưng không giống như tài khoản tiền gửi, chúng không được bảo lãnh. Chúng được cơ cấu sao cho ngân hàng không phải chịu trách nhiệm nếu các khoản đầu tư này sụp đổ.
Các nhà phát hành sản phẩm quản lý tài sản lớn nhất là hàng trăm ngân hàng và tổ chức tài chính ở các tỉnh nghèo nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc. Chính quyền địa phương đang gây sức ép lớn, buộc các ngân hàng này phải tiếp tục cho vay và bơm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang giảm tốc.
Để có tiền cho vay trên quy mô lớn, các ngân hàng này đã tăng cường phát hành sản phẩm quản lý tài sản. Họ đã bán 187.000 sản phẩm quản lý tài sản vào cuối năm ngoái, tăng 56% so với một năm trước đó.
Công nghệ đã giúp các công ty như State Gold Treasure bán sản phẩm của mình qua Internet và ứng dụng smartphone dễ dàng hơn so với ngân hàng. “Trong quá khứ, bạn cần tới ngân hàng hoặc một công ty quỹ để mở tài khoản. Giờ đây, với ứng dụng smartphone, bạn chỉ cần đăng ký thông tin cá nhân và mua sản phẩm quản lý tài sản qua Internet”, He Zhirui, một nhân viên tài chính ở Bắc Kinh, đồng thời cũng là một nhà đầu tư vào sản phẩm quản lý tài sản cho biết.
Sự phổ biến của sản phẩm quản lý tài sản đã làm chính phủ lo lắng. Trong tháng 5, ủy ban ngân hàng của Trung Quốc cảnh báo rằng, ngành kinh doanh này đang gặp nhiều vấn đề, trong đó có các sản phẩm không được cấp phép.
Sự chuyển hướng của dòng tiền từ tiền gửi ngân hàng sang sản phẩm quản lý tài sản đã làm lung lay hệ thống tài chính của Trung Quốc. Trung Quốc đã chống đỡ được cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhờ dòng tiền gửi ổn định của các hộ gia đình và doanh nghiệp vào bốn ngân hàng quốc doanh lớn. Nhưng nếu tính tổng thể, các ngân hàng nhỏ hiện nay đã lớn gần bằng 4 ngân hàng trên cộng lại. Sản phẩm quản lý tài sản chiếm gần 1/3 số vốn của các ngân hàng vừa và nhỏ.
Các quan chức và chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho biết, chính phủ có đủ nguồn lực để trang trải các khoản lỗ nếu hệ thống sản phẩm quản lý tài sản sụp đổ. Họ cũng cho biết việc thắt chặt giới hạn gửi tiền ra nước ngoài sẽ giúp duy trì dòng tiền trong nước trong trường hợp hệ thống trên sụp đổ.
“Hệ thống tài chính Trung Quốc có thể khắc phục được vấn đề thanh khoản - tiền không thể chạy ra nước ngoài”, Chang Chun, giám đốc Viện tài chính cấp cao Thượng Hải ở Đại học giao thông Thượng Hải nhận định.
Nhưng một số chuyên gia về tài chính Trung Quốc cho rằng khủng hoảng sẽ xuất hiện nhanh và nghiêm trọng hơn dự đoán. Các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư có thể trở tay không kịp nếu hệ thống sụp đổ.