MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quán ăn uống Hà Nội mong sớm được bán hàng bình thường trở lại

19-06-2021 - 15:30 PM | Thị trường

Quán ăn uống Hà Nội mong sớm được bán hàng bình thường trở lại

“Nếu cứ tiếp tục yêu cầu bán hàng mang về, chắc cửa hàng của chúng tôi không tồn tại được vì doanh thu gần như không có”, một chủ cửa hàng cà phê trên phố Bà Triệu chia sẻ.

Kể từ ngày 25/5, Hà Nội yêu cầu các cửa hàng kinh doanh ăn, uống chỉ được bán hàng mang về. Từ thời điểm đó, quán miến lươn khá nổi tiếng trên phố Tuệ Tĩnh thực hiện nghiêm theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Cửa hàng niêm yết bảng thông báo ngay ngoài cửa, chuyển toàn bộ hoạt động sang phục vụ bán hàng mang về.

“Lượng hàng bán được giảm nhiều. So với trước đây có lẽ chỉ được khoảng 1/4. Quán bình thường có 8 nhân viên, nhưng giờ mình cho về quê hơn một nửa. Có hỗ trợ một chút, chứ cũng không chi trả tiền lương như bình thường được. Phải giảm nhân sự thôi, vì phải cân đối thu chi. Cửa hàng bán mang về, nhưng mặt bằng thì vẫn phải thuê”, chủ cửa hàng chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.

Chủ cửa hàng phân tích, chi phí cho cuộc sống vẫn phải lo, con cái dù học trực tuyến vẫn phải nộp tiền. Nếu không làm thì không được, nên phải túc tắc làm, dù không thực sự hiệu quả.

“Có khách đến vẫn muốn ăn luôn tại quán, nhưng chúng tôi không cho. Bán được bát miến vài chục nghìn mà cơ quan chức năng đi qua lại phạt vài chục triệu thì lấy tiền đâu mà nộp”, bà chỉ quán nói.

Dù khó khăn là thế, nhưng theo vị này, cửa hàng của bà và nhiều cửa hàng khác chấp nhận thực hiện theo quy định, yêu cầu của thành phố.

“Trên báo chí cũng nói thông tin sắp được mở cửa, bán hàng trở lại rồi. Nhưng trước mắt cứ phải cầm cự thôi. Mình cũng căng thẳng, nhưng nhà nước còn căng thẳng hơn nhiều. Khó khăn là khó khăn chung. Chính ra mình còn hạnh phúc hơn những người phải buôn thúng bán mẹt ngoài chợ, ngoài đường. Cứ so sánh, như trước đây mình ăn 5 lạng thịt, giờ chỉ dám ăn 3 lạng thôi. Nhà nước cho bán thì bán, chứ không cho bán thì thôi. Bản thân tôi cũng mong muốn được bán hàng trở lại, chứ nếu cứ thế này, thậm chí có khi phải đóng cửa. Nhưng sức khoẻ là quan trọng nhất. Có sức khoẻ thì làm cả đời được”, chủ cửa hàng nói thêm.

Một chủ quán cà phê tên Hương trên phố Bà Triệu cho biết, kể từ ngày chuyển sang bán hàng mang về, doanh thu cửa hàng gần như bằng 0, trong khi giá thuê mặt bằng vẫn phải chi trả.

“Đặc thù của người uống cà phê là họ muốn ngồi tại cửa hàng, chứ không muốn mua mang về nhà. Nước ép, nước hoa quả họ cũng có thể chế biến tại nhà”, chị Hương nói.

Theo chị Hương, mỗi ngày chị phải bù lỗ khoảng 2 triệu đồng tiền mặt bằng, tiền nhân viên, dù đã giảm, giãn các ca làm việc. “Mình phải cho nhân viên làm cách ngày, giảm thời gian ca xuống vì ngồi cả ngày chủ yếu trông cửa hàng thôi, không có khách”, chị Hương nói thêm, đồng thời hy vọng thành phố sớm kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng các biện pháp để chị trở lại kinh doanh bình thường.

Với các cửa hàng cắt tóc, tình hình còn khó khăn hơn, vì phải đóng cửa hoàn toàn, trong khi mặt bằng vẫn phải thuê. Một chủ hiệu cắt tóc trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, cửa hàng dừng hoạt động khiến anh gặp nhiều khó khăn, dù chủ nhà có nói sẽ hỗ trợ giảm giá thuê cửa hàng, nhưng cũng chưa biết thế nào.

“Cửa hàng đóng cửa nên mình phải lấy tiền túi ra bù lỗ. Hy vọng trong thời gian tới không phát sinh thêm các ca bệnh để mọi thứ được trở lại bình thường”, anh này chia sẻ.

Theo Trường Phong

Tiền phong

Trở lên trên