Quan chức Quốc hội: Công chức không được đến doanh nghiệp ‘ăn cơm’
Quan chức Quốc hội cho rằng nếu các cán bộ công chức tận tâm lắng nghe doanh nghiệp, người dân phản ánh để thực hiện thì điều đó sẽ trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế.
- 18-10-2016Rút vốn khỏi doanh nghiệp Nhà nước: Không nên ồ ạt và nóng vội
- 17-10-2016Mê bánh vẽ, nhiều doanh nghiệp nhận trái đắng
- 14-10-2016“Sức nặng” kiểm tra chuyên ngành: Bộ, ngành ép doanh nghiệp “gánh”
Ngày 22/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đặt câu hỏi tới các đại biểu: “Bây giờ cái gì là cái vướng nhất của doanh nghiệp và nhân dân?”.
Xung quanh vấn đề này, một số ý kiến cho rằng là thể chế, một số người lại nói là thiếu tiền.
“Nếu nói là thiếu tiền thì không bao giờ có thể khắc phục được cả. Nếu nói về thể chế, có thể sửa đổi thể chế. Thể chế có thể hay nhưng người thực hiện thế nào thì cũng cần đáng bàn”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Ông Định cho rằng nhiều ý kiến góp ý vấn đề vướng mắc nhất hiện nay chính là bộ máy công chức. Bộ máy công chức cần phải có trí tuệ, đạo đức, có tâm huyết.
“Bây giờ, nếu tất cả công chức từ trung ương đến địa phương tận tâm tận lực làm việc đúng giờ, đúng với năng lực được đào tạo. Nghe những gì dân nói, nghe những gì doanh nghiệp nói để hết lòng làm. Không đến doanh nghiệp ăn cơm, doanh nghiệp mời đi nước ngoài không đi, không nhận quà của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phản ánh thì trả lời người ta sớm là được hay không được. Nếu doanh nghiệp vướng mắc gì tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cái đó sẽ là động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp bày tỏ.
Ông Định cũng lấy ra ví dụ cụ thể khi sang Hàn Quốc nghiên cứu và học tập.
“Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp là đầu tầu kinh tế, doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo. Nhưng họ bảo không phải, chúng tôi đã từng nghĩ như thế rồi nhưng không phải. Đầu kéo của nền kinh tế phải là hệ thống công chức”, ông Định kể lại.
Vị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng rất ấn tượng với một vị tham tán ở đại sứ quán Hàn Quốc đi cùng đoàn khi trong các buổi họp với các doanh nghiệp, vị tham tán này ngồi ghi chép rất cẩn thận. Ông này cũng chỉ uống nước lọc bình thường.
Tuy nhiên, đến khi ăn cơm, khi tặng quà, vị tham tán này lại không bao giờ có mặt.
“Khi hỏi thì ông ấy cho biết công chức chúng tôi phải có trách nhiệm khi doanh nghiệp đặt ra yêu cầu thì phải hết sức làm nhưng không hưởng cái gì trực tiếp từ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đóng thuế cho nhà nước và nhà nước trả lương cho chúng tôi cao lắm. Đây là kỷ luật công chức ở Hàn Quốc”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chia sẻ.
Ở Việt Nam, công chức ở lại làm sau khi hết giờ thì thanh toán tiền ngoài giờ. Nhưng ở Hàn Quốc, hết giờ làm việc, các bộ phận sẽ tắt điện tắt nước, mời ra khỏi cơ quan, không cho làm thêm.
“Vì vậy, phải làm đúng giờ, làm trong giờ phải hết trách nhiệm. Chứ không trong giờ thì ngồi chơi, ngoài giờ thì làm. Có những kinh nghiệm như vậy thì mình phải làm học tập”, ông Định nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương tại Việt Nam, người đứng đầu đã áp dụng cái đánh giá cán bộ rất sáng tạo.
“Có những nơi, lãnh đạo yêu cầu công chức cứ 20 phút, 1 tiếng ghi lại xem đã làm cái gì nhưng công chức không ghi được. Có người chỉ đọc báo thôi, nhưng không thể suốt ngày đọc báo được”, ông Định nói.
Kết thúc vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tạo ra sự chuyển biến lành mạnh về trí tuệ, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của hệ thống công chức thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội.
Trước đó, ngày 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2017.
Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2017 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã) là 269.084 biên chế công chức.
Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước 268.084; trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 109.146 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 157.853 biên chế; các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế.
Biên chế công chức dự phòng là 1.000.
Quyết định cũng phê duyệt, tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.
Như vậy, so với năm 2016, năm 2017 giảm 3.832 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
VTCnews