Quân domino tiếp theo "lung lay" sau cơn khủng hoảng của ngân hàng Mỹ
Đây có thể sẽ là mối lo ngại tiếp theo đối với các ngân hàng khu vực và thị trường chứng khoán.
- 28-03-2023Những vết nứt trong đế chế tài chính 7 nghìn tỷ USD: Lỗ trái phiếu vọt lên gần 30 tỷ USD trong năm ngoái, 'cầu cứu' cơ quan liên bang khi tiền gửi bị rút mạnh
- 28-03-2023Hé lộ bên trong toà nhà lập phương cao 400m của Saudi Arabia: Siêu dự án đủ sức chứa hơn 20 toà Empire State, sở hữu sân thượng giải trí lớn nhất thế giới
- 28-03-2023Độc lạ First Citizens: Chỉ có 100 tỷ USD tài sản nhưng lại ‘mạnh tay’ mua lại 72 tỷ USD tiền gửi và khoản cho vay của SVB
Theo Ngân hàng Mỹ (BofA), quân domino tiếp theo sẽ đổ trong cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại có thể là lĩnh vực bất động sản thương mại. Nguy cơ thắt chặt tín dụng dành cho bất động sản thương mại có thể khiến giá cổ phiếu chao đảo và nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Chiến lược gia Michael Hartnett tại BofA cho biết: “Nhiều người đang coi bất động sản thương mại là vấn đề tiếp theo không thể tránh khỏi. Các tiêu chuẩn đối với khoản vay bất động sản thương mại ngày càng nghiêm ngặt hơn”.
Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng các văn phòng trên khắp nước Mỹ vẫn còn thua xa so với mức trước đại dịch. Theo Hartnett, tỷ lệ này còn chưa đến 50%, do xu hướng làm việc tại nhà vẫn tiếp diễn.
Song song với đó, dữ liệu từ Zillow cho thấy mức giá thuê toàn quốc đã đạt đỉnh hơn một năm trước và đang giảm dần. Điều có có nghĩa là các toà nhà cho thuê văn phòng đang thu về ít tiền hơn so với trước đây.
Giá cổ phiếu gần đây và khoản nợ gắn liền với lĩnh vực này là minh chứng cho thấy bất động sản thương mại đang lung lay.
Quỹ ETF iShares CMBS, chuyên theo dõi danh mục chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp thương mại, đang giao dịch ở mức rất thấp. Hiện tại, nó chỉ nhỉnh hơn 6% so với mức đáy kể từ khi thành lập quỹ vào năm 2012.
Trong khi đó, cổ phiếu của Quỹ đầu tư tín thác bất động sản văn phòng (office REITs) đang giao dịch ở mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể, cổ phiếu của quỹ Boston Properties Group giao dịch ở mức thấp kỷ lục kể từ năm 2009 đến nay, giảm khoảng 68% so với mức đỉnh trước khi đại dịch bùng phát.
Đây là một “cơn bão hoàn hảo”- tổng hợp của những điều tồi tệ nhất – đối với các ngân hàng khu vực. Vì họ là chủ nợ của rất nhiều công ty xây dựng, công ty quản lý văn phòng, căn hộ cho thuê, trung tâm thương mại... Theo BofA, 68% khoản vay bất động sản thương mại là từ các ngân hàng khu vực, nhiều hơn cả các ngân hàng có vốn hoá lớn.
Theo số liệu mà ngân hàng JPMorgan trích dẫn từ công ty dữ liệu bất động sản Trepp, gần 450 tỷ USD khoản vay bất động sản thương mại sẽ đáo hạn vào năm 2023 và ngân hàng nắm giữ 60% trong số đó.
Những tổn thất trong lĩnh vực bất động sản thương mại thời gian này có thể còn tệ hơn so với thời kỳ đại khủng hoảng tài chính. Lý do là vì sự xuất hiện của một cuộc suy thoái ngắn. Trong khi đó, xu hướng làm việc tại nhà vẫn đang được áp dụng.
Để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, CEO Scott Rechler của công ty bất động sản RXR Realty, cho rằng các cơ quan quản lý cần khẩn trương hành động.
Ông tweet: “Có 1.500 tỷ USD nợ bất động sản thương mại sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Phần lớn khoản tiền này được cho vay khi lãi suất cơ bản gần bằng 0. Khoản nợ này cần được tái cấp vốn trong một môi trường mà lãi suất cao hơn, giá trị thấp hơn và trong một thị trường có ít thanh khoản hơn”.
“Nếu chúng ta không hành động, chúng ta có nguy cơ gặp khủng hoảng với hệ thống ngân hàng của mình và đặc biệt là các ngân hàng khu vực”, ông cho biết thêm.
Nhìn chung, triển vọng suy yếu của bất động sản thương mại, kết hợp với bức tường nợ chồng chất do sắp đáo hạn, có thể dẫn đến làn sóng vỡ nợ. Theo BofA, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu ngân hàng và tạo thêm “một cuộc suy thoái nghiêm trọng khác”.
Theo BI
Nhịp Sống Thị Trường