MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản gia cao cấp giống như một "món đồ xịn" mà giới siêu giàu Trung Quốc ưa thích: Lương cao nhưng việc không đơn giản

02-04-2017 - 14:03 PM | Sống

Những người Trung Quốc siêu giàu có sẵn sàng chi rất nhiều tiền để đảm bảo những bữa tiệc tại gia cũng sang trọng, tinh tế theo đúng chuẩn phong cách quý tộc. Họ coi việc thuê được một quản gia cao cấp giống như sở hữu một món đồ "xịn" trong nhà.

Tính đến năm 2015, Trung Quốc có hơn 400 tỷ phú và gia đình tỷ phú, tăng 16% so với 1 năm trước đó, theo danh sách của Forbes.

Khi trở nên giàu hơn, triệu phú, tỷ phú Trung Quốc muốn học theo phong cách sống của người giàu châu Âu. Những người siêu giàu thường sở hữu ít nhất 4 chiếc ô tô và ở trong những căn nhà trị giá ít nhất 20 triệu Nhân dân tệ. Họ sưu tập rượu, tranh cổ Trung Quốc, đi nghỉ ở nước ngoài. Họ thích chơi golf và 14% có bác sỹ tâm lý riêng.

Người Trung Quốc phát triển nhanh hơn, họ đi du lịch và sinh sống ở nước ngoài, vì thế nhu cầu sử dụng những dịch vụ chu đáo, sang trọng và tinh tế cũng cao hơn. Và thuê quản gia cũng là một xu hướng ưa thích của họ. Với những người Trung Quốc siêu giàu, bỏ tiền ra thuê quản gia cao cấp cũng giống như mua túi xách hàng hiệu hay sắm ô tô, đồng hồ xịn.

Với tâm lí sính ngoại, chuộng những thứ xa xỉ "có vẻ quý tộc", nhiều người giàu có Trung Quốc chi bộn tiền để thuê quản gia đeo găng tay trắng, phục vụ gia đình theo phong cách phương Tây. Họ muốn tự hào khoe với bạn bè rằng" "Tôi có một quản gia theo phong cách quý tộc Anh ở nhà".


Học viên khóa đào tạo quản gia ở Học viên Quản gia quốc tế Thành Đô.

Học viên khóa đào tạo quản gia ở Học viên Quản gia quốc tế Thành Đô.

Các trường đào tạo quản gia đã xuất hiện ở Trung Quốc hơn một thập kỷ qua và số lượng học viên không ngừng tăng mạnh trong những năm gần đây. Hầu hết học viên là phụ nữ Trung Quốc. Học viện Quản gia quốc tế Thành Đô khai trương từ năm 2014 thường xuyên tổ chức các khóa học kéo dài 6 tuần về nghề quản gia. Học viên sẽ được đào tạo kỹ năng phục vụ tiệc tối, quản lí nhà cửa và các chi tiết nhỏ trong gia đình.

Theo Christopher Nobble, phụ trách học viện: "Người Trung Quốc đang trở nên giàu có và biết hưởng thụ hơn bao giờ hết. Họ tiếp xúc với phương Tây nhiều hơn và được trải nghiệm những dịch vụ cá nhân hàng đầu ở nước ngoài. Giờ đây, họ muốn những điều đó ngay tại nhà".

Neal Yeh là một người Anh sinh ra tại Trung Quốc. Cô đã hành nghề đào tạo quản gia và tìm giúp việc cho các gia đình giàu có ở Bắc Kinh trong hơn một thập kỷ. "Thuê quản gia theo phong cách quý tộc đang là một xu hướng lớn ở Trung Quốc. Tôi dám chắc nó bắt nguồn từ bộ phim truyền hình "Downton Abbey", một bộ phim về dòng dõi quý tộc Anh từng rất được ưa thích ở nước này".

Nghề quản gia không đơn giản

Nếu những người quản gia chứng tỏ sự tiến bộ của người Trung Quốc, thì cách ứng xử của người giàu Trung Quốc phản ánh sự khác biệt của họ với tầng lớp giàu có ở nhiều nước khác. Người Trung Quốc không có sự tin tưởng ở những người đang làm việc cho họ.

"Thực tế, người Trung Quốc không thể tin tưởng một người ngoài quản lý việc nhà cho họ. Họ không muốn một quản gia nào biết tất cả thông tin về gia đình", Lou Jinhuan - một người từng làm nghề quản gia ở Thượng Hải cho biết.


Giới nhà giàu Trung Quốc muốn thuê quản gia theo phong cách quý tộc phương Tây.

Giới nhà giàu Trung Quốc muốn thuê quản gia theo phong cách quý tộc phương Tây.

Tuy Trung Quốc có truyền thống về dịch vụ cao cấp và những cuốn tiểu thuyết kinh điển không thiếu những hình mẫu về nghề quản gia. Nhưng bộ phim truyền hình Downton Abbey từng đình đám ở Trung Quốc đã tái lập một mối quan tâm mới mẻ, có vẻ "Tây hóa" hơn cho ngành dịch vụ này.

Xu Shitao - học viên tại Trường đào tạo quản gia quốc tế Thành Đô cho biết: "Tôi chỉ bắt đầu có ý định theo nghề nghiệp này khi xem phim Downton Abbey. Tôi cho rằng đây sẽ là ngành nghề phổ biến và có tương lai". Xu Shitao và các bạn học cũng đánh giá rằng, đây là một ngành nghề vất vả.

Mỗi sáng, các học viên phải luyện tập hàng giờ cách phục vụ rượu vang và nước trên bàn tiệc đúng cách. Họ phải biết cách cầm chai rượu và rót lượng rượu vừa đủ cho mỗi ly trên bàn ăn. Không được phép để một giọt nào rớt ra bàn hay sàn nhà.


Không được phép rơi một giọt rượu nào ra bàn tiệc.

Không được phép rơi một giọt rượu nào ra bàn tiệc.

"Mở nắp chai, rót rượu, nhấc cổ chai, xoay một vòng và lau miệng chai. Hãy mở rộng cánh tay của bạn như đang múa ballet", giảng viên Noble hướng dẫn học viên.

Ngoài ra, các học viên cũng học kỹ năng đóng gói đồ đạc, vệ sinh nhà cửa và vô số các chi tiết khác trong cuộc sống của người giàu sang.

Để có việc tốt, học viên phải cạnh tranh khốc liệt. Sau khi tốt nghiệp khóa học 6 tuần, học tiếp tục phải thực tập 6 tháng tại trụ sở của một villa được thiết kế giống như nhà khách hàng tương lai. Sau khi tốt nghiệp, những người hành nghề quản gia có thể kiếm được mức lương 2.800 USD hoặc cao hơn, đây là một mức lương cao so với nhiều nghề dịch vụ khác.

Cuối cùng, công ty môi giới sẽ chọn ra những học viên giỏi nhất và gửi đến nhà khách hàng theo hợp đồng đã ký. Dù sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn nhưng những người giàu thường cũng phải chờ đến nhiều tháng mới có thể có được quản gia tốt, theo yêu cầu của họ.

Quy tắc ngặt nghèo trong nghề "quản gia của nhà giàu"

Giám đốc học viện, ông Christopher Noble, nói rằng những yếu tố văn hóa làm khó cho việc dạy kỹ năng quản gia ở Trung Quốc. Nhiều thập kỷ thực hiện chính sách một con của Trung Quốc khiến nhiều người trẻ Trung Quốc đã quen với việc được cả gia đình nâng niu, chăm sóc. “Một trong những thách thức của chúng tôi là thuyết phục học viên đặt người khác lên trước bản thân họ. Nói cách khác là họ phải nghĩ về khách hàng, ông chủ, những người họ đang phục vụ trước những cảm xúc riêng”, ông Noble nói.


Quản gia phải là người cẩn trọng, chu đáo và hiểu rõ vị trí của mình.

Quản gia phải là người cẩn trọng, chu đáo và hiểu rõ vị trí của mình.

Công việc của một quản gia cao cấp phải tuân theo rất nhiều quy định ngặt nghèo. Quản gia không những phải làm tốt tất cả những kỹ năng quản lý, chăm sóc gia đình, có kiến thức tốt về xã hội, ẩm thực, thời trang, họ còn phải nắm được rất nhiều nguyên tắc không được ghi trên bất kỳ sách vở hay quyển hướng dẫn nào. Khách hàng có thể rất thân thiện và coi quản gia như một thành viên trong gia đình nhưng quản gia luôn phải nhớ vị trí của mình.

Một giảng viên chia sẻ, người giàu tất nhiên luôn ăn những thực phẩm đắt tiền và có chất lượng tuyệt hảo nhất và họ thường mời quản gia ngồi ăn, đây chính là lúc quản gia phải rút lui. Sẽ thật khó coi khi quản gia ngồi ăn hải sâm cực đắt tiền với nhà chủ. Quản gia cũng phải biết rằng nơi nào trong ngôi nhà họ không được chào đón.

Cụ thể, thông thường quản gia phải tránh những phòng trưng bày đồ cổ hay phòng thờ. Quản gia cũng phải tuyệt đối giữ nguyên tắc bí mật, không bao giờ được chia sẻ về thân thế gia chủ cũng như những gì đã xảy ra trong gia đình người đó.

Thu Hoài

NY Times

Trở lên trên