MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan hệ châu Âu-Trung Quốc dịch chuyển sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp?

11-01-2018 - 09:12 AM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa hoàn tất chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của ông tới Trung Quốc...

Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoàn tất chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của ông tới Trung Quốc, có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Bắc Kinh với châu Âu đang dịch chuyển.

Theo hãng tin CNBC, chuyến thăm Trung Quốc này của ông Macron là đáng chú ý, bởi diễn ra trong lúc các nhà lãnh đạo khác của thế giới phương Tây đang đối mặt với nhiều thách thức trong nước. Trên thực tế, nhà nghiên cứu Philippe le Corre thuộc Trường Kennedy Harvard nhận định ông Macron "có vẻ như đang là nhà lãnh đạo của châu Âu vào thời điểm này".

Thủ tướng Anh Theresa May, người sắp có chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 1, đang đối mặt với loạt câu hỏi về Brexit và vai trò lãnh đạo của chính bà. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì đang chật vật thành lập một liên minh cầm quyền, trong khi công việc lãnh đạo nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump cũng không mấy suôn sẻ.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Pháp Natixis, bà Alicia Garcia-Herrero, cho rằng ông Macron "rõ ràng đang tìm kiếm" một "mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt" với Trung Quốc. Vị chuyên gia nhấn mạnh việc người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng chuộng những sản phẩm mà Pháp có thể cung cấp.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp, ông Macron thể hiện chủ trương "tiêu cực một chút" đối với Trung Quốc, kêu gọi thành lập một ủy ban bảo vệ đầu tư của châu Âu. Tuy nhiên, nỗ lực này của ông giờ đây đã không còn nhiều sức mạnh như trước, theo bà Garcia-Herrero.

Thay vào đó, ông Macron dường như đang có một cách tiếp cận khác với Trung Quốc.

"Ông Macron có vẻ như đã nhận ra rằng ông ấy nên có một lập trường cởi mở hơn với Trung Quốc", vị chuyên gia của Natixis phát biểu.

Cũng giống như nhà lãnh đạo Pháp muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đang "dang rộng vòng tay" với châu Âu qua sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Sáng kiến này nhằm mục tiêu kết nối giữa châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi bằng một mạng lưới hậu cần và giao thông khổng lồ.

Trong chuyến thăm này, ông Macron đã hứa sẽ hợp tác với Trung Quốc trong việc thực hiện sáng kiến trên.

Đối với Trung Quốc, việc tăng cường quan hệ với Pháp sẽ giúp cải thiện hình ảnh của Bắc Kinh ở châu Âu, trong bối cảnh Đức tỏ ra không có nhiều thiện cảm với "gã khổng lồ" Đông Á. Quan hệ Trung-Đức kém đi khi Trung Quốc giờ đây tự sản xuất được ngày càng nhiều máy móc và xe cộ, thay vì nhập khẩu từ các quốc gia như Đức. Thậm chí, Trung Quốc giờ còn cạnh tranh với Đức ở các thị trường thứ ba.

Trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày, ông Macron thúc đẩy các lợi ích kinh doanh với Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm một mối quan hệ thương mại có đi có lại. Nỗ lực này diễn ra khi có một số tranh cãi ở châu Âu về ảnh hưởng của vốn đầu tư Trung Quốc đối với đại lục già, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ cao.

"Xét cho cùng, thị trường châu Âu rất cởi mở, cởi mở hơn thị trường Trung Quốc. Có đi có lại thực sự là điều quan trọng. Đó là thông điệp mà ông Macron cố gắng gửi đến ông Tập", ông le Corre nói với CNBC.

Hôm thứ Ba tuần này, ông Macron đề nghị mở cửa thị trường Pháp cho vốn đầu tư Trung Quốc để đổi lấy quyền tiếp cận rộng mở hơn tại thị trường Trung Quốc cho các công ty Pháp.

"Khả năng tiếp cận thị trường mỗi bên là thiếu cân bằng, chưa thỏa mãn", ông Macron phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Pháp và Trung Quốc tại Bắc Kinh. "Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề này một cách có trách nhiệm, thì phản ứng tự nhiên đầu tiên sẽ là sự đóng cửa từ cả hai phía. Thay vì làm vậy, hãy mở cửa từ cả hai phía".

Ngày thứ Tư, ông Macron tuyên bố một thỏa thuận bán 184 máy bay Airbus A320 cho Trung Quốc sẽ sớm được hoàn tất.

Khi được hỏi về sự thiếu vắng những thỏa thuận lớn được ký kết trong chuyến thăm, ông Macron nói rằng các quốc gia khác từng tuyên bố về những thỏa thuận "khủng", nhưng trên thực tế những thỏa thuận như vậy lại chẳng đi đến đâu.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên