Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản sẽ ra sao trong giai đoạn "hậu Abe Shinzo"?
Theo Asia Times, với vai trò là Thủ tướng nắm quyền lâu nhất của Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã để lại số lượng di sản về đối ngoại đáng kể cho xứ sở hoa anh đào. Một trong những "di sản" đáng chú ý nhất là quan hệ chiến lược song phương giữa Nhật Bản và Việt Nam. Do vậy, việc ông từ chức sẽ ảnh hưởng ít nhiều đối với cả hai quốc gia.
- 05-09-2020Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak: Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu
- 04-09-2020Việt Nam cần ra mắt nhiều hơn các sản phẩm "made by Vietnam" chứ không chỉ là "made in Vietnam"
- 04-09-2020Thủ tướng: Cả hai phía cung và cầu đều phải được kích thích mạnh mẽ
Tuy nhiên, với những gì hai bên đã đạt được cho đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, lợi ích chung và cục diện địa chính trị khu vực, cũng như quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục bền chặt.
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2006, Việt Nam và Nhật Bản đã tuyên bố sẽ cùng hướng tới Quan hệ Đối tác Chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Đây được coi là dấu ấn lịch sử của quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Vào năm 2014, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Abe, nhờ sự ủng hộ nhất quán đối với quan hệ quốc phòng và an ninh với Việt Nam trước đó, trong chuyến thăm Tokyo của Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã nâng tầm quan hệ đối tác lên "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng châu Á", mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã ủng hộ Việt Nam trở thành Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Do vậy, việc ông Shinzo Abe đột ngột từ chức đã đặt ra câu hỏi về tương lai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì động lực về quan hệ chiến lược với Việt Nam về cả an ninh và kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cựu Thủ tướng Shinzo Abe
Đặc biệt đối với lĩnh vực kinh tế, việc Thủ tướng Abe từ chức sẽ không phải là một trở ngại lớn đối với tương lai quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Lý do là Nhật Bản có cả động lực từ "bên ngoài" và "bên trong" để thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam.
Liên quan đến động lực "bên ngoài", căng thẳng thương mại Mỹ Trung ngày càng gia tăng và đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội củng cố chặt chẽ mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Cụ thể, Nhật Bản đang tách dần khỏi Trung Quốc bằng cách chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác, bao gồm các nước Đông Nam Á để giảm sự phụ thuộc vào sản xuất ở Trung Quốc sau đại dịch.
Việt Nam được coi là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, nhờ vào những biện pháp ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao so với các nền kinh tế Đông Nam Á khác trong bối cảnh hiện nay.
Theo cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2019 bởi NNA Japan Co, một công ty thuộc tập đoàn Kyodo News, Việt Nam là điểm đến đầu tư triển vọng nhất ở châu Á đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Sự gia tăng hoạt động kinh doanh của Nhật Bản tại Việt Nam được coi là cơ sở để duy trì đà phát triển của quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Vì vậy, sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản là tín hiệu tích cực cho mối quan hệ kinh tế khởi sắc giữa hai nước.
Điều đáng chú ý là Việt Nam và Nhật Bản đã có quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ trong một thời gian dài. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2019, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam, sau Singapore và Thái Lan. Vào tháng 7 năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã trợ cấp cho 15 công ty chuyển nhà máy sang Việt Nam, mở đường cho làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản.
Về đối nội, Nhật Bản có động cơ chiến lược mạnh mẽ để tăng cường các hoạt động kinh tế đối với Việt Nam. Từ lâu, Nhật Bản và Trung Quốc đã cạnh tranh vị trí "lãnh đạo kinh tế" ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo Giáo sư Kei Koga, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), ảnh hưởng kinh tế của Nhật Bản đối với các quốc gia Đông Nam Á yếu hơn so với Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế lớn nhất với các nước ASEAN, đồng thời cũng là tác nhân có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất trong khu vực. Do vậy, việc tăng cường quan hệ kinh tế với các nước ASEAN sẽ rất quan trọng đối với Nhật Bản trong tương lai dài hạn.
Hiện tại, việc tách các nền kinh tế lớn khỏi Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng - lĩnh vực mà Nhật Bản có lợi thế hơn Trung Quốc.
Nhờ vào vị trí ở "cửa ngõ" Đông Nam Á, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhật Bản. Trong những năm gần đây, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Việt Nam, đặc biệt là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, được cho rằng chi phí quá cao, công nghệ thấp hoặc gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường.
Những yếu tố trên đã tạo môi trường thuận lợi hơn cho Nhật Bản trong việc cạnh tranh với Trung Quốc về lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Thực tế cho thấy, Nhật Bản đã vượt Trung Quốc về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, với tổng giá trị là 208 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 69 tỷ USD của Trung Quốc. Vì vậy, trong tương lai, Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Với nền tảng vững chắc như vậy, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng của Việt Nam và Nhật Bản sẽ vẫn phát triển mạnh trong thời gian tới, bất chấp việc Abe từ chức.
Trong tương lai, Nhật Bản có thể sẽ có một số điều chỉnh nhỏ trong chính sách đối ngoại khi Thủ tướng mới nhậm chức. Tuy nhiên, điều này sẽ không tác động nhiều đến quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, di sản về đối ngoại của Cựu Thủ tướng Shinzo Abe sẽ là bước khởi đầu quan trọng trong việc tiếp tục quan hệ chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.
Nhịp sống kinh tế