MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan hệ đối tác Việt Nam – Nhật Bản và những điểm đáng chú ý

Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của nước ta. Hơn thế, Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên công nhận cơ chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Cột mốc lịch sử đánh dấu mối quan hệ bền chặt Việt Nam – Nhật Bản là khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, từ đó Nhật Bản luôn được coi là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nước ta, cụ thể:

Về mậu dịch

Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999. Nhật Bản là bạn hàng số 1 của Việt Nam. Kim ngạch 2 chiều năm 2003 đạt 5,9 tỷ USD, 17 tỷ USD năm 2008 và nhanh chóng đạt 39,9 tỷ USD năm 2019 (Bộ Công Thương).

Đầu tư trực tiếp

Tính đến năm 2019, Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60,35 tỷ USD đầu tư – 4.300 dự án (GSO). Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Châu Á – Thái Bình Dương tháng 2/2020 cho thấy có đến 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam và sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, đạt tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN. 

Cũng trong tháng 10, cột mốc đặc biệt đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác 2 nước là “cú bắt tay tỷ USD” giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), liên doanh này đã động thổ dự án Thành Phố Thông minh (Hà Đông – Hà Nội) với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD.  

Về ODA

Nhật Bản vẫn đang là nước tài trợ ODA lớn nhất của Việt Nam, kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam năm 1992, tính đến nay, tài trợ ODA của Nhật đã đạt khoảng 27 tỷ USD. Đặc biệt trong năm 2013, Nhật Bản đã hỗ trợ nước ta cải tạo và xây dựng tổng cộng 3.309 km đường bộ và 287 cây cầu, hỗ trợ cải tạo – xây dựng 650 km quốc lộ, tương đương 70% trong hệ thống đường cao tốc quốc gia của Việt Nam (Bộ GTVT). 

Hai bên đã thỏa thuận chương trình viện trợ lâu dài của Nhật cho Việt Nam nhằm vào 5 lĩnh vực chính là: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; xây dựng và cải tạo các công trình giao thông và điện lực; phát triển nông thôn và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục và đào tạo y tế; bảo vệ môi trường. 

Về hợp tác lao động

Sau cột mốc năm 1992, nước ta đã bắt đầu đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản trong khuôn khổ bản ghi nhớ về “Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ đào tạo nghề nhằm giúp thanh niên Việt Nam nâng cao tay nghề, tiếp cập với các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại. 

Không chỉ là cái nôi đào tạo tu sĩ cho Việt Nam, cho đến 2019, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 53.610 lao động, chiếm trên 90% tổng số lao động đi trong năm 2019 (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

Về văn hóa giáo dục

Một trong những dự án nổi bật về văn hóa – giáo dục giữa 2 nước là chương trình đào tạo thanh niên ASEAN (100 người/năm). Ngoài ra 2 nước còn thực hiện trao đổi các đoàn văn hóa, tình nguyện, chuyên gia. Hàng năm, chính phủ Nhật Bản đều viện trợ cho Việt Nam từ 1- 2 dự án văn hóa không hoàn lại như thiết bị học ngoại ngữ, bảo tàng lịch sử, xưởng phim hoạt hình… Riêng trong giai đoạn đầu đẩy mạnh hợp tác từ năm 1995 – 1999, chính phủ Nhật đã viện trợ 9,5 tỷ JPY để xây dựng 195 trường tiểu học ở các tỉnh miền núi và vùng ven biển hay bị thiên tai. 

Về du lịch

Nhật Bản cũng là một thị trường được chú trọng để phát triển du lịch Việt Nam. Kể từ khi mở lại quan hệ hợp tác, năm 2002 đã có 280 nghìn khách Nhật Bản đến thăm Việt Nam, đến ngày 1/5/2005, Việt Nam – Nhật Bản song phương miễn thị thực hộ chiếu ngoại giao, công vụ nên con số này liên tục tăng vọt. Trong năm 2019 lượng khách trao đổi 2 chiều giữa 2 nước đạt cao nhất từ trước tới nay với 1.447.000 lượt người, tăng 18,9% so với 2018, trong đó khách Nhật đến Việt Nam đạt khoảng 952.000 lượt – tăng 15,2% (Bộ VHTTDL). 

Những con số trên là minh chứng sống cho sự hợp tác kinh tế sâu rộng – toàn diện giữa Việt Nam – Nhật Bản. Để đánh dấu mối quan hệ bền chặt này, ngày 18/10/2020, Thủ tướng Nhật Bản sẽ chính thức ghé thăm Việt Nam, "Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide, diễn ra một tháng sau khi nhậm chức. Và cũng là lần thứ hai liên tiếp một thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau khi nhậm chức", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng – Bộ Ngoại Giao cho biết.

H.N

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên