Quận Hoàn Kiếm chây ì “cắt ngọn” những công trình phá vỡ quy hoạch phố cổ?
Hàng loạt công trình vi phạm, phá vỡ quy hoạch phố cổ đã được Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản chỉ đạo cưỡng chế. Thế nhưng đã nhiều tháng trôi qua, việc "cắt ngọn" vẫn chưa được xử lý triệt để?
- 16-06-2014Sớm hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch phân khu phố cổ và khu vực Hồ Gươm
- 03-06-2014Thông qua quy hoạch khu phố cổ Hà Nội
- 12-04-2012Quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội sẽ có sự thay đổi
Có thể nói, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội chưa lúc nào “nóng” như thời gian qua. Đặc biệt, trong nhiều cuộc họp, chính đích danh Bí thư Thành Ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng lên tiếng mạnh mẽ. Đặc biệt, đối với địa bàn nào để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng sẽ được xử lý nghiêm.
Dù rằng việc chấn chỉnh đã được TP Hà Nội thể hiện rất quyết liệt, nhưng thực tế trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vấn nạn này đang gây nhức nhối cho dư luận, bởi hàng loạt công trình “khủng” đã được “mọc” lên, đặc biệt ở trong khu phố cổ- phố cũ.
Cụm công trình ở phố Hàng Bông đang vi phạm về chiều cao và mật độ hết sức nghiêm trọng
Thực tế mà nói, để bảo toàn quy hoạch - kiến trúc phố cổ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quy định chặt chẽ đối với việc cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) cho các công trình nằm ở khu vực phố cổ - phố cũ. Trong đó, có cả sự tham gia và thẩm định của nhiều cơ quan chức năng thuộc ngành văn hóa.
Cụ thể, để xin được giấy phép xây dựng (GPXD) ở khu vực phố cổ - phố cũ, chủ đầu tư phải nộp đơn và hồ sơ ở khu vực “một cửa” UBND quận Hoàn Kiếm. Sau đó hồ sơ được chuyển đến phòng Quản lý đô thị (QLĐT) thẩm định công trình. Phòng QLĐT sẽ tiến hành cấp GPXD theo quy định, nếu công trình đủ điều kiện theo Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ; hồ sơ vượt qua được hàng loạt các cơ quan chuyên môn thẩm định.
Với thức tế đó, rõ ràng đối với việc cấp GPXD ở khu vực phố cổ - phố cũ, nhằm bảo tồn không gian và kiến trúc được UBND thành phố Hà Nội quy định hết sức chặt chẽ. Vậy nhưng, tình trạng hàng loạt công trình xây dựng vi phạm, vượt Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ diễn ra tràn lan. Điều đó có thế thấy rằng, việc quản lý giám sát vấn đề trật tự xây dựng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm còn hết sức “hạn chế”.
Dẫn chứng cho thực tế, phải nhắc đến các công trình xây dựng trên mặt phố Hàng Bông. Đây là khu vực nằm trong vùng lõi của quận Hoàn Kiếm được khống chế chiều cao tối đa 4 tầng (kể cả tầng giật cấp), với tổng chiều cao công trình không quá 16m, mật độ xây dựng 60 - 70%.
Vậy nhưng qua khảo sát, đa phần những công trình xây mới, cải tạo ở khu vực này đều không thực hiện theo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ. Đặc biệt, có công trình 122 Hàng Bông xây cao tới 9 tầng, vi phạm về chiều cao và mật độ hết sức nghiêm trọng. Bên cạnh đó, là tổ hợp khách sạn 126 - 128 Hàng Bông cũng có chiều cao trên 10 tầng, với mật độ xây dựng gần 100%.
Đáng nói ở đây, dù sai phạm đã rõ nhưng lãnh đạo phường và Đội Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm dường như “bỏ mặc” để cho công trình “chọc thủng” Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ.
Chỉ đến khi công trình chuẩn bị bước vào giai đoạn hoàn thiện, đưa vào sử dụng thì lãnh đạo quận Hoàn Kiếm mới ban hành Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với phần diện tích vi phạm tại cụm công trình 128 - 130 Hàng Bông, buộc phá dỡ toàn bộ khối nhà xây dựng không phép phía trong nhà 128, phá dỡ toàn bộ diện tích xây dựng ngoài giấy phép tại cụm 128 - 130 Hàng Bông.
Ngoài ra phải kể đến hàng loạt công trình nổi cổm khác nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng “dính” vi phạm như ở phố Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo), phố Hàng Đồng (phường Hàng Bồ), phố Tô Tịch, Hàng Gai (phường Hàng Gai), phố Nguyễn Hữu Huân (phường Lý Thái Tổ)...
Cũng xin được nói thêm, trước thực trạng công trình vi phạm tràn lan nằm trong vùng lõi chưa được xử lý dứt điểm, ngày 25/5, quận Hoàn Kiếm tiếp tục ra văn bản thông báo, yêu cầu UBND các phường: Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bồ, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Buồm, Cửa Nam, Trần Hưng Đạo giám sát và tổ chức thực việc việc xử lý cưỡng chế gần 20 công trình vi phạm Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ.
Công trình số 30B Nguyễn Hữu Huân vẫn chưa được cưỡng chế
Dù rằng, việc xử lý sai phạm đối với những công trình xây sai đã được UBND quận Hoàn Kiếm ra “tối hậu thư”, nhưng qua khảo sát của phóng viên phần lớn các công trình vi phạm chưa được thực hiện nghiêm. Đó là chưa nói đến việc nhiều công trình xử lý theo kiểu “nằm trên bàn giấy”.
Được biết, năm 2015 rồi 2016, UBND TP. Hà Nội liên tiếp ra chỉ thị thực hiện năm “trật tự văn minh đô thị”. Để chỉ thị được thực hiện nghiêm túc, ngày 19/9/2014, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký văn bản số 6175 có nêu rõ: "Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời, hoặc để các vụ vi phạm nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo địa phương đó và cán bộ thanh tra xây dựng theo dõi địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Giám đốc Sở Xây dựng phải xem xét đề xuất xử lý trách nhiệm của cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo quy định".
Đặc biệt, tại Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2016 của Ban chỉ đạo 197 Thành phố và “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016”, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu các cấp ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Đáng nói, đầu tháng 4 vừa qua, tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với các Sở, ngành, quận, huyện về năm văn minh đô thị 2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã phản ứng gay gắt về tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các Quận ủy, Huyện ủy, các Bí thư, Chủ tịch phải xử lý trật tự xây dựng trên địa bàn quyết liệt. Đồng thời Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn và xử lý thật nghiêm những trường hợp thanh tra xây dựng cố tình “bật đèn xanh” cho các hộ dân làm sai.
Với sự quyết liệt của lãnh đạo TP Hà Nội như thế, vậy lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nghĩ gì trước thực trạng vi phạm xây dựng xảy ra tràn lan, nhất là trong vùng lõi quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ.
Câu hỏi lúc này đang được đặt ra, với những công trình UBND quận Hoàn Kiếm ban hành quyết định cưỡng chế liệu có được xử lý triệt để?. Và cá nhân, tập thể nào sẽ bị xem xét kỷ xử lý luật khi đã để cho các công trình vi phạm xảy ra trên địa bàn?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!