Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc vụ Khaisilk thừa nhận bán khăn lụa Trung Quốc
Trao đổi với PV, ông Trịnh Quang Đức cho hay, hiện đơn vị đã giao cho Đội quản lý thị trường số 14 vào cuộc làm rõ thông tin phản ánh trên truyền thông, báo chí về nhãn hàng lụa Khaisilk, khi có kết luận sẽ thông tin cụ thể.
- 26-10-2017Bộ trưởng Công Thương yêu cầu kiểm tra, khẩn trương báo cáo việc bán khăn lụa Trung Quốc của Khaisilk
- 26-10-2017Bán khăn lụa “Made in China” nhưng quảng bá "Made in Vietnam", KhaiSilk vi phạm những quy định gì?
- 26-10-2017Khaisilk - "thần tượng" sụp đổ
Sáng 26/10, ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đã nắm được thông tin báo chí phản ánh việc ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk xin lỗi khách hàng, thừa nhận bán khăn lụa Trung Quốc từ những năm 90.
Theo ông Kiên, Chi cục đã giao ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, làm rõ thông tin này.
Trước câu hỏi, hành vi nhập lụa sản xuất tại Trung Quốc, cắt mác made in China, gắn mác made in Việt Nam để bán cho khách hàng có phải là hành vi gian lận thương mại không, ông Đức trả lời: "Theo Luật Xử lý hành chính, chúng tôi chỉ trả lời được khi có kết luận vi phạm, còn hiện nay chúng tôi đang làm rõ các vấn đề liên quan mà báo chí, truyền thông đã đăng tải".
Một cán bộ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (xin giấu tên) nhìn nhận, nếu sự việc đúng như ông Hoàng Khải thừa nhận thì hành vi của Khải Silk là gian lận thương mại, lừa dối khách hàng.
"Các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ hành vi này và hiện nay chúng ta đã có các quy định cụ thể để xử lý hành vi này từ hành chính cho đến truy tố hình sự.
Còn về phía người tiêu dùng thì hoàn toàn có quyền yêu cầu ông Khải phải bồi thường những tổn thất mà mình gặp phải khi mua hàng gian dối như vậy. Ngoài ra, có thể kiện ra tòa về hành vi đó nếu đơn vị này không giải quyết rõ ràng, đảm bảo quyền lợi khách hàng", vị này nhấn mạnh.
Trước đó, ông Hoàng Khải cho biết đã nhập lụa từ Trung Quốc từ lâu. Nguyên nhân là từ những năm 90, khi ngành sản xuất tơ lựa của Việt Nam suy thoái, doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước nên ông đã quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về.
"Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì cũng nghĩ mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa", ông Khải chia sẻ.
Trí thức trẻ