MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý vốn nhà nước: Đề xuất lập ủy ban mới độc lập

Trước chỉ đạo của Thủ tướng, sau khi lắng nghe ý kiến từ các bộ ngành, dư luận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa hoàn thiện và trình Chính phủ 3 phương án thành lập cơ quan chuyên trách.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, bộ này đã “nghiêng” về phương án thành lập một ủy ban mới chuyên trách trực thuộc Chính phủ thực hiện quản lý doanh nghiệp và vốn nhà nước.

Chốt 3 phương án chọn 1

Trước Tết âm lịch, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước tại DN. Thủ tướng kết luận, việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN là nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và Luật Tổ chức Chính phủ.

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, tiếp thu ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện đề án, theo 3 phương án thành lập cơ quan chuyên trách (thay vì 1 phương án như Bộ KH&ĐT trình trước đó), trong đó phải làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án và báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.

Phương án thứ nhất, thành lập mới ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN. Ủy ban này sẽ quản lý các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn mà Nhà nước đang nắm giữ 100% vốn điều lệ, DNNN nắm cổ phần chi phối và Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Theo phương án này phải điều chuyển cán bộ có năng lực, phẩm chất từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ quản lý, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của một số bộ ngành, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN. Trong đó, Bộ KH&ĐT phải xin ý kiến Bộ Chính trị và Chính phủ về lộ trình chuyển Cty Đầu tư và kinh doanh vốn thuộc UBND TPHCM và các DN thuộc UBND thành phố Hà Nội về cơ quan chuyên trách theo phương án này.

Phương án 2, thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN để quản lý các DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp SCIC.

Phương án 3, tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC trực thuộc Chính phủ, làm chức năng đại diện chủ sở hữu (theo mô hình DN, không phải ủy ban).

Bộ KH&ĐT “muốn” thành lập ủy ban mới

Theo nguồn tin riêng của PV Tiền Phong, sau khi xây dựng, xem xét ưu, khuyết điểm của 3 phương án, Bộ KH&ĐT đã “chốt” nghiêng về phương án 1 với điểm nhấn là thành lập ủy ban mới độc lập trực thuộc Chính phủ quản lý.

Ủy ban này sẽ nhận về các tập đoàn, tổng công ty lớn của trung ương với khoảng hơn 30 đơn vị. Đưa DN về ủy ban nhằm phát triển hiệu quả đồng vốn tốt hơn chứ không phải như hiện nay. Ủy ban sẽ thuần tuý làm nhiệm vụ quản trị chứ không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Từ đó, tạo sự bình đẳng như mọi DN khác, để bộ chuyên ngành làm nhiệm vụ chính là quản lý nhà nước chứ không bận tâm vào quản lý vốn chủ sở hữu. Các đơn vị khác theo chủ trương sẽ thoái vốn, cổ phần hóa. Đối với DN thuộc Bộ Quốc phòng, an ninh vẫn để nguyên.

“Bộ KH&ĐT nghiêng về phương án thứ nhất, bởi SCIC không thực hiện được mục tiêu như mong muốn khi thành lập. Sự thất bại của SCIC so với kỳ vọng ban đầu khi xây dựng khiến phương án nâng cấp SCIC còn nhiều điểm hạn chế. Với các nhiệm vụ như đầu tư vốn, đầu tư vào những ngành kinh tế định hướng, dẫn dắt nền kinh tế, lĩnh vực mà tư nhân không đủ sức đầu tư, SCIC gần như chưa làm tốt”, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, việc quản lý bộ máy nhân sự trong phương án 1, sẽ được đo bằng chỉ số KPI (công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, tỷ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ánh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc bộ phận chức năng hay cá nhân -PV). Nếu chỉ số KPI qua các năm thấp dần, lãnh đạo ủy ban phải chịu trách nhiệm và bị thay thế.

Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, ngoài làm tốt việc quản lý vốn, thành lập ủy ban còn giúp quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng với mọi DN.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo tổng công ty ngành dầu khí nằm trong danh sách đưa về “siêu” ủy ban bày tỏ quan điểm: Nếu lập ủy ban và muốn thành công trước hết phải xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ; Xây dựng hệ thống quản trị của cơ quan chuyên trách thật tốt, đưa các DN hoạt động theo nề nếp.

Theo Ban Kinh tế T.Ư thế giới hiện có 2 mô hình phổ biến về thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN: Mô hình phân tán và mô hình tập trung. Nếu theo mô hình tập trung, DNNN được tập trung về một hoặc một số cơ quan chủ sở hữu chuyên trách. Cơ quan chuyên trách có thể là bộ (như ở Indonesia), thuộc Chính phủ (như Trung Quốc) hoặc cơ quan nằm trong bộ. Một số quốc gia thành lập các công ty đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước như Singapore, Malaysia, Hungary...

Ý kiến hai chuyên gia:

TS Lê Đăng Doanh: “Cần cơ quan giám sát trung lập”

Đánh giá về 3 phương án thành lập cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Doanh cho rằng, việc thành lập uỷ ban là cần thiết để tách chức năng quản lý nhà nước và đại diện phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp.

“Cần có ủy ban quản lý nhà nước và SCIC sẽ tiếp tục hoạt động với sự giám sát của ủy ban này. Mô hình SCIC như hiện nay thiếu sự giám sát, khi thành lập ủy ban cần đề cao nguyên tắc trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ và có đơn vị giám sát trung lập để đảm bảo hiệu quả”, ông Doanh nói.

Ông Lưu Bích Hồ: “Phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước”

Nguyên viện trưởng Chiến lược phát triển Lưu Bích Hồ cho rằng, phải làm sao tách bạch được chức năng quản lý nhà nước. Đồng thời có cơ quan giám sát chặt chẽ, tránh để xảy ra việc không ai chịu trách nhiệm trong thất thoát vốn.

“Chúng ta có thể thay thế tên gọi ủy ban bằng tên gọi khác như công ty, hay tổng công ty…để tránh sự liên tưởng đến cơ quan nhà nước. Đồng thời nêu cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Hồ cho biết.

Quỳnh Nga (ghi)

Theo Lê Việt - Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên