MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan ngại lạm phát trước cơn sốt giá dầu?

Quan ngại lạm phát trước cơn sốt giá dầu?

Giá dầu thế giới liên tục lập đỉnh, hiện đã vượt mức 86 USD/ thùng kéo theo giá xăng, dầu trong nước. Thời gian tới, các chuyên gia lo ngại giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực không nhỏ tới lạm phát.

Ở kỳ điều hành ngày 11/10, giá xăng trong nước tăng gần 1.000 đồng/ lít, cao kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây. Tính từ đầu năm, giá xăng tăng tổng cộng hơn 5.000 đồng/ lít. Xăng dầu là đầu vào quan trọng của hầu hết ngành sản xuất kinh doanh và theo đó, nhiều ý kiến chuyên gia tỏ ra lo ngại giá các mặt hàng, dịch vụ cũng chịu tác động, kéo theo áp lực tăng giá, lạm phát .

Ngày 26/10, Bộ Công Thương tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày. Các chuyên gia dự đoán, trước diễn biến của thị trường thế giới, trong kỳ điều chỉnh vào ngày mai nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giá xăng có thể tăng thêm từ 1.400 – 1.900 đồng/lít, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng tăng 1.140 đồng/lít; dầu hỏa tăng 970 đồng/lít và dầu mazut tăng 180 đồng/kg.

Nếu giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh tăng, đây sẽ là lần thứ 4 tăng giá liên tiếp trong thời gian gần đây.

LẠM PHÁT TẠM THỜI CHƯA ĐÁNG QUAN NGẠI

Quan ngại lạm phát trước cơn sốt giá dầu? - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV

 Lo ngại giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực cho lạm phát, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mặc dù, giá xăng dầu thế giới trung bình sẽ tăng 50-55% so với mức tăng trung bình của năm 2020 tuy nhiên, trong ngắn hạn tác động của nó đến lạm phát cũng không phải là quá ghê gớm.

Lý giải cho nhận định trên, TS. Lực cho hay, hiện giá xăng dầu và giá cả nguyên vật liệu sản xuất kinh doanh đều ở mức cao, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hiện nay vẫn chưa dám chuyển ngay mức tăng giá đó vào giá bán sản phẩm vì họ lo lắng doanh nghiệp và người dân còn rất khó khăn, sức cầu còn rất yếu, TS. Lực phân tích.

Thứ 2 là chỉ số vòng quay đồng tiền hiện rất chậm, hiện nay chỉ còn 0,67%, bằng nửa trước đây và bằng 1/3 so với giai đoạn lạm phát ở mức cao.

Vì vậy, không quá quan ngại về câu chuyện lạm phát song cũng không thể chủ quan bởi vì rõ ràng khi dịch bệnh bùng phát, nguy cơ về lạm phát sẽ tăng lên rất lớn", TS. Lực khẳng định.

Có 2 chiều hướng rõ ràng là lạm phát, giá cả tăng hiện chỉ mang tính tạm thời và sẽ "chạy" ít nhất từ nay đến giữa năm 2022, TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Mặc dù làn sóng COVID-19 lần thứ tư đã làm đứt gãy chuỗi cung - cầu, làm tổng cầu suy giảm nên lạm phát tạm thời dễ chịu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khi kinh tế mở cửa trở lại, độ trễ của tác động chính sách tiền tệ nới lỏng cùng giá xăng dầu, chi phí vận tải tăng cao sẽ gây áp lực cho lạm phát.

CẨN TRỌNG KHI NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Quan ngại lạm phát trước cơn sốt giá dầu? - Ảnh 2.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, trong 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng chỉ khoảng 1,8%, mức khá thấp, nhưng chỉ số GDP deflator (chỉ số điều chỉnh GDP) tăng tới 23%. Điều đó thể hiện sự phân kỳ giữa 2 chỉ số, mức chênh lệch lên tới 10 lần, trong khi đó CPI và GDP deflator thông thường song hành cùng nhau.

Sở dĩ có sự chênh lệch như vậy, theo TS. Phạm Thế Anh là do CPI tính toán giá hàng hóa và dịch vụ được mua bởi người tiêu dùng, mà thời gian vừa qua chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, GDP deflator đo lường tất cả giá hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra, nên phản ánh chính xác thực trạng giá cả trong nền kinh tế.

Giá sản xuất cuối cùng sẽ phản ánh vào giá tiêu dùng, khi doanh nghiệp chuyển gánh nặng tăng giá nguyên vật liệu lên vai người tiêu dùng. Điều đó đồng nghĩa, nguy cơ lạm phát là tương đối lớn.

Hiện tại tổng cầu vẫn ở mức thấp tuy nhiên, khi tổng cầu tăng mạnh trở lại chắc chắn chi phí của doanh nghiệp tăng cao sẽ gây lạm phát. Với bối cảnh giá xăng dầu hay giá nguyên vật liệu của thế giới tăng cao, Việt Nam bắt buộc phải điều chỉnh tăng theo giá thế giới.

"Việc chúng ta có thể làm là hạn chế các chi phí phát sinh không đáng có của doanh nghiệp trong thời buổi hiện nay, đó là những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, chi phí cho phòng dịch cực đoan,...", TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Chỉ khi giảm những chi phí đó như một phần bù đắp lại chi phí nguyên liệu tăng theo giá thế giới. Bởi giá nguyên vật liệu thế giới hoạt động theo quy luật thị trường lưu thông giữa trong nước và thế giới thì Việt Nam không đủ sức can thiệp vào mà chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cắt giảm chi phí không cần thiết.

Hiện tại, nhiều nhóm ngành đang rất khó khăn do dịch COVID-19 và lại gặp phải bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như nhóm ngành vận tải, hàng không,...Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ họ.

Đầu tiên là phải để cho họ hoạt động bình thường, cắt giảm những chi phí không cần thiết với doanh nghiệp. Các bộ cần đẩy nhanh quá trình rà soát và hỗ trợ ngay cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, nếu có ý định nới lỏng tiền tệ, cần theo dõi và hết sức thận trọng để tránh gây thêm áp lực cho lạm phát.

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên