Quận nhỏ nhất Việt Nam: Là một hòn đảo, có 8 cây cầu vượt sông
Quận 4 (TP.HCM) với diện tích khoảng 4 km2 là quận có diện tích nhỏ nhất cả nước. Quận có hình tam giác với 3 mặt giáp sông và sẽ có đến 8 cây cầu kết nối.
- 15-11-2023Gỡ những chế tài cản trở doanh nghiệp
- 15-11-2023Nữ tướng các tập đoàn lớn kiến nghị gì để phát triển du lịch?
- 15-11-2023Thành phố này của Việt Nam sẽ trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á
Quận 4 nằm ở phía Nam TP. HCM xưa, vùng đất này được gọi bằng nhiều cái tên như Khánh Hội, Vĩnh Khánh, Tân Vĩnh… Quận có diện tích gần 4,2 km2 với dân số 175.329 người, mật độ dân số vào khoảng 41.945 người/km2 (2019). Đây là quận có diện tích nhỏ nhất và có mật độ dân số cao nhất cả nước.
Quận còn là một hòn đảo giữa lòng thành phố vì được bao quanh bởi sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé và kênh Tẻ. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại, kết nối giao thương, 7 cây cầu đã được xây dựng tại quận 4. Trong tương lai, quận nhỏ nhất Việt Nam sẽ có thêm một cây cầu mới trị giá hơn 3.000 tỷ đồng.
Được xem là một trong những cây cầu cổ tại quận 4, cầu Khánh Hội đầu tiên được xây năm 1904 do người Pháp xây dựng. Cầu bắc qua kênh Bến Nghé đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) và đường Tôn Đức Thắng (Q.1). Tuy nhiên, đến năm 2006, cầu được tháo dỡ và xây mới hoàn toàn trên nền cầu cũ nhằm phục vụ tuyến đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm. Cầu Khánh Hội mới có chiều dài gần 167m, rộng 22m, được thiết kế cho 4 làn xe với dáng cầu cong mềm mại được xem là một trong những điểm nhấn về hạ tầng cho thành phố.
Nằm cách cầu Khánh Hội khoảng hơn 200m đường ven sông là cây cầu cổ bậc nhất của thành phố. Cầu Mống được xây dựng vào năm 1893-1894, bắc qua kênh Bến Nghé nối liền giữa quận 4 và quận 1. Theo thiết kế, cầu dài 128m, rộng 5,2m, xây bằng thép kiên cố và được dùng cho cả người đi bộ lẫn xe cơ giới. Nhưng, hiện nay cầu không còn sử dụng cho xe cơ giới mà chỉ dành cho người đi bộ. Đặc biệt, cầu Mống đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh.
Cũng là một trong những kiến trúc độc đáo bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, cầu Calmette nối đường Đoàn Văn Bơ (Q.4) và đường Calmette (Q.1) như hình chữ H khi nhìn từ trên cao. Cây cầu độc đáo này có chiều dài 300m, rộng 24m, với 6 làn xe. Cây cầu được thiết kế với 6 nhánh lên xuống nhằm đáp ứng được lưu lượng xe khi lưu thông qua khu vực quận 4 và quận 1.
Cùng Bến Nghé, cầu Ông Lãnh với chiều dài dài 256m nối liền hai bờ quận 4 và quận 1 cũng giữ một vị trí giao thương quan trọng đối với khu vực.
Bắc qua kênh Tẻ, kết nối quận 4 và quận 7 là cầu Kênh Tẻ. Cầu có chiều dài 763 m, được hoàn thành và thông xe vào năm 2004. Đây là một trong ba trục giao thông chính từ quận 7, huyện Nhà Bè vào trung tâm thành phố thế nên vào giờ cao điểm, cầu Kênh Tẻ luôn trong tình trạng quá tải. Trước tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, tháng 5/2018, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã thông qua dự án nâng cấp, mở rộng cầu Kênh Tẻ với tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng.
Cầu Nguyễn Văn Cừ khánh thành năm 2009, với tổng kinh phí xây dựng 535 tỷ đồng. Đây là một trong những cây cầu đặc biệt khi có có ba nhánh kết nối quận 4, quận 5, quận 8 và quận 1 vì nó bắc qua ngã 3 kênh: kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi, Kênh Tẻ nối liền các quận này. Đây là một trong những công trình giao thông quan trọng của khu vực với vai trò tạo sự đồng bộ về hạ tầng giữa các quận, đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho cầu Ông Lãnh và Kênh Tẻ.
Ngoài ra, quận 4 còn kết nối với khu Nam thành phố bằng cầu Tân Thuận 1 kết hợp cầu Tân Thuận 2. Hai cây cầu này nối đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) với đường Huỳnh Tấn Phát và đường Nguyễn Văn Linh (Q.7). Cầu Tân Thuận 1 được xây dựng vào năm 1905 sau khi đào kênh Tẻ. Cầu dài 241m, lòng cầu rộng 8m, mỗi lề 1,25 m. Đến năm 2005, để giảm tải áp lực cho cầu Tân Thuận 1, thành phố đã đưa vào sử dụng cầu Tân Thuận 2. Hiện nay, để kéo dài tuổi thọ, cầu Tân Thuận 1 chỉ cho phép xe lưu thông từ quận 7 sang quận 4.
Bên cạnh đó, quận sắp có cây cầu mới kết nối với khu Nam thành phố là cầu - đường Nguyễn Khoái. Cây cầu vượt kênh Tẻ, rạch Bến Nghé, nối quận 4, quận 7 và quận 1. Với mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, cây cầu không chỉ tạo sự kết nối cho quận 4 mà còn được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc từ cửa ngõ phía Nam vào trung tâm thành phố và ngược lại. Trên hình là phối cảnh cầu - đường Nguyễn Khoái. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TP. HCM .
Nhịp sống thị trường