MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quán quân tăng trưởng ngành than bất ngờ thuộc về một công ty kinh doanh than nhập khẩu

Nhu cầu tiêu thụ than ngày càng tăng đặc biệt là than cho sản xuất điện.

Nhu cầu tiêu thụ than ngày càng tăng đặc biệt là than cho sản xuất điện là nhận định về sự phát triển ngành than trong báo cáo của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đầu năm 2019. Theo dự kiến, chỉ tính riêng năm 2019, cả nước cần khoảng 58 triệu tấn than cho sản xuất điện.

Tuy nhiên nửa đầu năm 2019 đã trôi qua, các doanh nghiệp ngành than trên sàn vẫn chưa có nhiều đột phá về doanh thu cũng như lợi nhuận. Đột biến nhất trong nhóm ngành này là một cái tên khá bất ngờ - CTCP XNK Than – Vinacomin (mã chứng khoán CLM) với doanh thu gần gấp 3 cùng kỳ, đạt 2.258 tỷ đồng nhờ hoạt động kinh doanh than nhập khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, lợi nhuận của mặt hàng này không cao, chi phí lớn nên lợi nhuận cả năm đạt 11,4 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.

Quán quân tăng trưởng ngành than bất ngờ thuộc về một công ty kinh doanh than nhập khẩu  - Ảnh 1.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, chỉ riêng nửa đầu tháng 7 cả nước đã chi 191 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn than đá, nâng tổng lượng than đá nhập khẩu từ đầu năm lên gần 12 triệu tấn.

Than Cao Sơn (TCS) được xem là một trong những doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm với mức tăng trưởng doanh thu trên 32%, đạt 3.306 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng đột biến 156%, lên gần 29 tỷ đồng nhờ chi phí giá vốn thấp, giá bán than bình quân cao hơn cùng kỳ. Trong đó, riêng quý 2 lợi nhuận đạt trên 20 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Quán quân tăng trưởng ngành than bất ngờ thuộc về một công ty kinh doanh than nhập khẩu  - Ảnh 2.

Than Tây Nam Đá Mài (TND) đạt mức tăng trưởng doanh thu gần 16%, lên 1.439 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận tăng 63%, đạt 37 tỷ đồng. Nguyên nhân chính cũng nhờ chi phí giá vốn thấp, giá bán than bình quân tăng so với cùng kỳ. Đây cũng là "kịch bản" chung cho Than Cọc Sáu (TC6) với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.

Than Hà Lầm (HLC), Than Mông Dương (MDC), Than Núi Béo (NBC), Than Đèo Nai (TDN), Than Vàng Danh (TVD), thì lại có chung kịch bản doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ.

Trong đó Than Vàng Danh (TVD) đạt mức tăng trưởng doanh thu 18,6%, lên 2.376 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm sút 35%, còn 21 tỷ đồng chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Quán quân tăng trưởng ngành than bất ngờ thuộc về một công ty kinh doanh than nhập khẩu  - Ảnh 3.

Đối với Than Đèo Nai (TDN), doanh thu tăng 15,6% so với cùng kỳ, đạt 1.603 tỷ đồng; chi phí giá vốn cũng tăng tương ứng. Tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi, lên 103 tỷ đồng  do chi phí cấp quyền khai thác 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ.

Than Núi Béo (NBC) đạt mức tăng trưởng 14,9% về doanh thu, lên 1.271 tỷ đồng, thậm chí chi phí giá vốn tăng ít, hơn, chỉ hơn 9% dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 55% so với cùng kỳ, đạt 212 tỷ đồng. Tuy nhiên do gánh nặng chi phí lãi vay, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh là những nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế ngược lại giảm 28%, còn 16 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả đến cuối quý 2 của Than Núi Béo tăng 174 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên 2.811 tỷ đồng. Trong đó riêng vay nợ ngắn hạn 423 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 1.648 tỷ đồng.

Doanh thu nửa đầu năm của Than Hà Lầm (HLC) đạt 1.586 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận giảm sút 36%, còn hơn 15 tỷ đồng. Nguyên nhân, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Giải trình về điều này, công ty cho biết do đơn vị đang tập trung vật tư, nhân lực để chuyển diện khai thác lò chợ CGH 600.000 tấn/năm.

Quán quân tăng trưởng ngành than bất ngờ thuộc về một công ty kinh doanh than nhập khẩu  - Ảnh 4.

Than Mông Dương (MDC) xem như thoát lỗ, lãi chưa đến 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 10 tỷ đồng. Nguyên nhân chính cũng do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đến 61% so với cùng kỳ, lên xấp xỉ 73 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quý 2/2019 công ty nộp bổ sung thuế TNDN năm 2017 và 2018 với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá đặc biệt là Than Hà Tu (THT) với doanh thu giảm 29%, còn 1.112 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 23%, lên 18 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân, Than Hà Tu cho biết năm 2019 công ty bước vào giai đoạn sản xuất kết thúc mỏ của dự án và chuẩn bị mở mỏ mới nên sản lượng sản xuất, tiêu thụ than giảm so với cùng kỳ dẫn đến doanh thu giảm. Tuy nhiên lợi nhuận tăng do công ty tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tăng cường chế biến tiêu thụ than có chất lượng cao.

Quán quân tăng trưởng ngành than bất ngờ thuộc về một công ty kinh doanh than nhập khẩu  - Ảnh 5.

Riêng Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam TKV đã đặt mục tiêu sản xuất 40 triệu tấn than nguyên khai và tiêu thụ khoảng 42 triệu tấn trong năm 2019, kế hoạch đạt 128.000 tỷ đồng doanh thu và phấn đấu đạt 3.000 tỷ đồng.

Nhu cầu sử dụng than của Việt Nam chủ yếu là than nhiệt (bitum, á bitum, antraxit) để cung cấp cho nhiệt điện, xi măng, phân đạm, hóa chất; than mỡ phục vụ luyện kim và than bùn sử dụng làm chất đốt, phân bón. 

Tuy nhiên, điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn, xuống sâu hơn, xa hơn khiến tăng chi phí khai thác. Các mỏ hầm lò đã phải khai thác ở mức sâu đến - 500m so với mực nước biển. Với các mỏ lộ thiên, hệ số bóc đất đã tăng 3,1 lần, từ 3,41m3/tấn lên 10,71 m3/tấn, cung độ vận chuyển đất tăng 4 lần, từ 1,03km lên 4,1km. Do vậy, việc triến khai áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, quản lý ngành than là vấn đề đang được ưu tiên.

Thạch Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên