Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa: Không thể sáng tạo khi tư duy bị trói
- 10-09-2013Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa: “Chúng ta đang bị đóng khung trong chiếc áo gia công nô dịch”
- 08-05-2013Bí ẩn Nguyễn Hữu Thái Hòa: Giấc mơ từ một đôi giầy đến Giám đốc chiến lược FPT
- 13-04-2012Nguyễn Hữu Thái Hòa: Từ tài tử hát nhạc Trịnh đến giám đốc chiến lược FPT
Trao đổi với PV Tiền Phong với tư cách chuyên gia về chiến lược quốc gia và vai trò của người trẻ, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, Việt Nam thiếu một chiến lược phát triển và nhiều bạn trẻ chưa được cởi trói tư duy để sáng tạo.
Không thể làm chiến lược quả mít
Tại buổi gặp mặt của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với đại biểu doanh nhân trẻ vừa qua, ông cho rằng, Việt Nam chưa định vị rõ trong chiến lược phát triển. Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?
Với trí thông minh và tinh thần hiếu học thì Việt Nam chắc chắn phải đi lên bằng khoa học công nghệ (KHCN) để bắt kịp các quốc gia phát triển. Chỉ có từ nền tảng KHCN thì chúng ta mới tiến nhanh được. Muốn vậy phải có những chuyên gia và nhân tài về KHCN. Hiện nay, hàng chục nghìn chuyên gia giỏi của Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài. Nhân tài thì luôn cần môi trường và cơ hội để phát triển.
Vậy môi trường của chúng ta có tạo cơ hội cho nhân tài không? Nếu không tạo cơ hội để người tài phát triển thì chiến lược của chúng ta thật sự đang có vấn đề. Một đất nước nghèo thì không thể làm chiến lược kiểu quả mít (tất cả đều là mũi nhọn!) bởi không đủ nguồn lực để dàn trải. Chúng ta phải xác định được những mũi đột phá và tạo cơ hội tối đa cho những mũi đó phát triển.
Theo tôi, nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch, nút giao thông trung chuyển và dịch vụ là những lĩnh vực phải được ưu tiên để tạo đột phá trong nền kinh tế Việt Nam.
Điều quan trọng nữa trong định vị chiến lược quốc gia là phải huy động được nguồn lực từ Việt kiều. Chúng ta cần vẽ được bản đồ nhân tài bên ngoài Việt Nam theo từng ngành nghề, làm tốt cầu nối giữa cung-cầu cho doanh nghiệp trong nước và chuyên gia nước ngoài. Điều này cần sự đột phá mạnh về thể chế và sự tích cực của Bộ Ngoại giao và các hiệp hội người nước ngoài. Hiện nay, nguồn lực chất xám Việt kiều còn bị bỏ phí.
Trong nước, khi tiếp cận với các bạn trẻ gần đây, điều tôi trăn trở nhất là họ chưa được cởi trói về tư duy khoa học. Nếu tư duy chưa được cởi trói thì không phát triển và sáng tạo gì được. Trong từng DN cũng phải thay đổi. Ở FPT anh Trương Gia Bình luôn khao khát vươn ra toàn cầu và vượt người. Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, ngành nông nghiệp phải nắm dạ dày thế giới. Đấy là một định vị rõ ràng bởi chúng ta đã xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, cà phê, hồ tiêu cũng xuất khẩu hàng đầu… Đó là những giấc mơ có thật và cần thiết cho đất nước trong lúc này.
Tại sao ông làm về công nghệ thông tin (CNTT) lại cho rằng, nông nghiệp là một trong những mũi đột phá của Việt Nam?
“Khi nào không cởi trói được tư duy thì không sáng tạo được. Hiện giờ cái cần nhất cho các bạn trẻ là cởi trói về niềm tin bởi không tin vào chính mình là điều nguy hiểm nhất” Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa |
Ngành nông nghiệp Việt Nam rất đa dạng, đất đai, sông biển khá thuận lợi, nhưng đang cô đơn trong cách nhìn chiến lược và cách đầu tư của chúng ta. Hiện nay ở nông thôn, thanh niên bỏ quê lên thành phố làm thuê làm mướn trong các xưởng gia công với mức lương rất thấp.
Đất nước với 60% nông dân giờ không sống được bằng nông nghiệp phải chạy theo công nghiệp thô sơ, phân khúc thấp, và 30% dân số còn lại đang loay hoay trong các thành phố lớn để làm công nhân, gia công cấp thấp để nuôi lại gia đình ở quê thì nguy hiểm.
Chúng ta đang biến nguồn lực toàn dân chuyển dịch từ sở trường sang sở đoản. Muốn phát triển tốt tam nông thì phải hiện đại hóa nông nghiệp, nhưng đất đai manh mún như thế này thì không thể đưa công nghệ vào. Chiến lược phát triển đất nước phải là ưu tiên nông nghiệp hiện đại và hiện đại hóa, chứ không phải là công nghiệp hóa bằng cách đi làm gia công với đồng lương rẻ mạt như hiện nay.
Việt Nam đủ khả năng làm hàng hiệu
Trong nhiều bài nói chuyện ông nhấn mạnh đến “giấc mơ chất lượng Việt Nam”, “Việt Nam phải vươn lên bằng định vị trung tâm”, ông có thể diễn tả đơn giản nhất về điều này?
Như phần trên tôi đã nói phải định vị lại chiến lược quốc gia. Còn chiến lược định vị trung tâm lại là câu chuyện khác. Tôi nói điều này bởi Việt Nam có lợi thế là nằm ở ngã tư đường. Để diễn tả cho điều này, tôi xin dẫn chứng thành phố Dubai. 20 năm trước Dubai đã lobby hàng tỷ đô la Mỹ để được chọn là điểm trung chuyển giữa châu Á và châu Âu. Tại sao người ta không chọn New Delhi, Tehran mà lại là Dubai.
Còn Việt Nam nằm ngay giữa ngã tư đường, không cần lobby người ta cũng đi qua mình, vấn đề là mình không có chính sách để người ta chọn là nơi trung chuyển.
Nếu biết định vị trí trung tâm thì ba cảng lớn của Việt Nam chắc chắn lợi thế hơn cảng Bangkok, Hồng Kông bởi cảng Bangkok phải đi dịch vào trong vịnh Thái Lan, Hồng Kông thì phải đi lên hướng Bắc, còn lộ trình thuận lợi nhất là dừng tại cảng Việt Nam.
Thế nhưng khi thông quan 1 container người ta làm 30 phút tại Singapore, Hồng Kông là 1/2 ngày thì chúng ta thường kéo dài tới 2-3 ngày.
Muốn có một chiến lược định vị trung tâm thì phải xác định các mũi nhọn kinh tế ưu tiên dựa trên lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, là phải phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển những dịch vụ xung quanh các ưu tiên đó và phải đủ sức đáp ứng nhu cầu toàn cầu.
Từ đó phải nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ Việt Nam lên bằng những chương trình KHCN. Đã nói đến định vị trung tâm và chất lượng thì phải xác định mình ở đẳng cấp toàn cầu. Made in Vietnam là ngang và hơn so với các nước phát triển.
Giấc mơ chất lượng Việt Nam phải là phân khúc cao, hàng hiệu, xịn. Người dân Việt Nam rất tinh tế, thông minh và Việt Nam đủ khả năng làm ở các phân khúc cao cấp.
Câu chuyện niềm tin
Ông cũng cho rằng, đối với người trẻ thì cái khó khăn nhất là niềm tin, phải chiến đấu bằng niềm tin. Vậy muốn có niềm tin cần những điều kiện, cơ sở nào?
Tôi đã đi nói chuyện với nhiều bạn trẻ về khởi nghiệp. Các bạn trẻ thì cần sáng tạo để khởi nghiệp. Nhiều bạn hỏi định nghĩa sáng tạo của tôi là gì, tôi trả lời là “sự cởi trói”. Khi nào không cởi trói được tư duy thì không sáng tạo được. Hiện giờ cái cần nhất cho các bạn trẻ là cởi trói về niềm tin bởi không tin vào chính mình là điều nguy hiểm nhất. Cá nhân mỗi con người phải biết mình mạnh về điều gì.
Hiện nay, quay 5 tiếng đồng hồ xung quanh Việt Nam là 40% dòng tiền toàn cầu. Tiền vẫn đang chạy xung quanh chúng ta và chúng ta nằm ở trung tâm của dòng tiền bởi các trung tâm tài chính Hồng Kông, Thượng Hải, Bắc Kinh, Singapore, Ấn Độ, Dubai.
Vậy tại sao dòng tiền không ghé về Việt Nam thì đó là vấn đề của chúng ta. Nhưng các bạn trẻ phải tin rằng chúng ta đang có lợi thế hơn nhiều dân tộc khác.
Trong khủng hoảng kinh tế vừa rồi cái mất của Việt Nam chưa chắc đã phải là tiền mà là niềm tin. Bởi nội lực trong dân còn lớn lắm. Tôi đã sống ở nhiều quốc gia và ít thấy dân đem tiền mặt đi mua ô tô, mua nhà. Mua một căn nhà ở nước ngoài trả dần trong 20 năm nhưng ở đây đưa một cục tiền, đây là bất hợp lý về mặt kinh tế bởi vốn đọng hết ở đấy. Nhưng người Việt Nam vẫn chấp nhận được thì thấy nội lực của mình rất mạnh.
Cảm ơn ông.
Theo Hà Nhân