Quảng Ngãi xác định năm 2017 là năm then chốt
Tiếp tục phát huy thành công của năm 2016, năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi xác định là năm then chốt trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, là năm: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp”.
- 11-01-20172.800 tỷ đồng đầu tư dự án cầu Cửa Đại, Quảng Ngãi
- 08-10-2016Hợp nhất BQL Khu Kinh tế Dung Quất và BQL các Khu công nghiệp Quảng Ngãi
- 28-09-2016Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi phải là trung tâm kinh tế vùng
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những dự định phát triển KT-XH trong năm mới 2017 của địa phương, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết mục tiêu phấn đấu của tỉnh và khẳng định đó cũng là điều phải thực hiện cho bằng được.
Thưa ông, nói đến Quảng Ngãi là người ta nhớ ngay đến Lọc dầu Dung Quất, rồi các dự án như đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực công nghiệp tại khu kinh tế Dung Quất và các khu phụ cận. Vậy hiệu quả tác động thế nào tới tình hình chung của tỉnh, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Căng: Quảng Ngãi là một trong những địa phương ở khu vực thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là trong lĩnh vực công nghiệp tại khu kinh tế Dung Quất, khu công nghiệp VSIP và vùng phụ cận.
Riêng ở khu kinh tế Dung Quất, từ đầu năm 2016 đến nay, chúng tôi đã cấp phép đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2.731 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án FDI (70,7 triệu USD) và 7 dự án đầu tư trong nước (2.235,37 tỷ đồng); vốn thực hiện ước đạt 2.340,2 tỷ đồng, đạt 80% so với cùng kỳ năm 2015.
Lũy kế, các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 133 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 138.198 tỷ đồng, trong đó, có 83 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 16.000 lao động. Riêng trong Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ VSIP có 14 dự án được cấp phép, trong đó 6 dự án đã đi vào hoạt động.
Còn tại các khu công nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, 6 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 140,7 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án FDI (1,35 triệu USD) được cấp phép; vốn thực hiện ước đạt 273,2 tỷ đồng, chủ yếu từ các dự án đầu tư trong nước…
Lũy kế, có 100 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 6.876,5 tỷ đồng, trong đó có 93 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động.
Do năm 2016 là năm “Cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư”, nên ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư và lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên nhiều kênh thông tin, trong đó đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016 với chủ đề “Quảng Ngãi - Tiềm năng và cơ hội đầu tư”. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách quan trọng, nhất là quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư và quy định chính sách thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cáo đến công tác, làm việc tại tỉnh.
Chúng tôi cũng đã hỗ trợ kịp thời cho hơn 60 nhà đầu tư, trong đó có một số nhà đầu tư, các tập đoàn lớn như: Công ty phát triển điện lực Nhật Bản (Jpower), Tập đoàn General Electric (GE); Tập đoàn Hyosung; Tập đoàn Hòa Phát… tới đầu tư thuận lợi.
Bên cạnh đó, từ đánh giá kết quả “Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh” (PCI) năm 2015, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa Quảng Ngãi vào nhóm các tỉnh có chỉ số PCI tốt nhất trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
Một góc khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: VGP/Minh Hùng
Xin ông đánh giá về triển vọng của đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?
Ông Trần Ngọc Căng: Tiếp tục phát huy thành công của năm 2016, năm 2017, tỉnh xác định là năm then chốt trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, là năm: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp”.
Do vậy, năm 2017, Quảng Ngãi chú trọng đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Trong đó, các sở ngành, địa phương cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, dịch vụ-du lịch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh đúng tiến độ; quản lý và khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản; chỉ đạo thực hiện tốt các tiêu chí để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh…
Chúng tôi tin tưởng rằng trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Quảng Ngãi sẽ thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài về với tỉnh theo đúng kỳ vọng mà Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Cảng cá Sa Huỳnh. Ảnh: VGP/Minh Hùng
Một lĩnh vực quan trọng khác của Quảng Ngãi là đánh bắt hải sản. Vậy tỉnh quan tâm đầu tư, tháo gỡ khó khăn như thế nào để hoạt động này phát triển bền vững, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Căng: Đánh bắt thủy hải sản, phát triển kinh tế biển luôn được tỉnh Quảng Ngãi xem là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, Quảng Ngãi đã thực hiện xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế biển theo từng giai đoạn. Trong đó, việc đánh bắt thủy hải sản được xác định là lĩnh vực hàng đầu trong phát triển kinh tế biển.
Trong năm 2016, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, UBND tỉnh đã phê duyệt 78 hồ sơ đóng mới và 18 hồ sơ nâng cấp tàu cá; đã hạ thủy và đưa vào hoạt động 28 tàu (gồm 8 tàu vỏ thép và 20 tàu vỏ gỗ), riêng năm 2016 hạ thủy 12 chiếc (gồm 4 tàu vỏ thép và 8 tàu vỏ gỗ). Tổng số tàu đã đăng ký 5.444 chiếc với tổng công suất 1.280.480 CV, có 1.049 chiếc đủ điều kiện tham gia khai thác vùng biển xa.
Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã hỗ trợ hàng trăm lượt ngư dân với số tiền hàng tỷ đồng trong việc vay vốn, đóng mới tàu và hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn trên biển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập các tổ đội ngư dân trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá để giúp ngư dân hỗ trợ nhau trên biển cũng như thông tin lẫn nhau trong việc đánh bắt thủy sản ở khơi xa.
Nhìn chung, từ các chương trình hỗ trợ phát triển thủy sản, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu vỏ thép, vỏ composite công suất lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Vì vậy, sản lượng thủy sản tăng khá.
Thưa ông, việc chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách của tỉnh được thực hiện như thế nào?
Ông Trần Ngọc Căng: Ở lĩnh vực này, chúng tôi luôn quan tâm hết mức có thể với tinh thần chung là không để hộ dân nào trong dịp Tết bị thiếu đói, nhất là các đối tượng chính sách, người có công đang sinh sống trên địa bàn.
Ngoài quà tặng của Chủ tịch nước theo quy định, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chi ngân sách địa phương từ 200.000-300.000 đồng/đối tượng để tặng cho các gia đình chính sách, người có công. Tỉnh cũng thành lập 15 đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà trực tiếp cho các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức tiền 1,5 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, đồng bào bị lũ lụt cuối năm 2016 vừa qua cũng được các ngành các cấp hết sức quan tâm để nhân dân khôi phục được sản xuất, ổn định cuộc sống… với mong muốn người dân ở vùng khó khăn, người bị ảnh hưởng thiên tai đón một cái Tết an bình, đầm ấm.
Khách du lịch đến đảo Lý Sơn. Ảnh: VGP/Minh Hùng
Nhân dịp Xuân Đinh Dậu, thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, thông qua Báo Điện tử Chính phủ, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến đồng bào đang sinh sống trên địa bàn tỉnh và người Quảng Ngãi ở các tỉnh thành trong cả nước. Tôi cũng xin chia sẻ với khó khăn của người dân bị ảnh hưởng vì cơn lũ cuối năm 2016 cũng như khó khăn của các hộ dân bị thiên tai trong thời gian qua, nhất là các hộ gia đình chính sách, người có công.
Đây cũng là những mối quan tâm của tỉnh trong năm tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chinhphu.vn