MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Ninh ‘chào thua’ dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng ‘bất động’ gần 20 năm

Quảng Ninh ‘chào thua’ dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng ‘bất động’ gần 20 năm

Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân bị ngưng trệ gần 20 năm khiến gần 3.000 hộ dân ở TP. Hạ Long, TP. Uông Bí và thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) mòn mỏi đợi chờ. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh gửi văn bản kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải xem xét thu hồi chủ trương đầu tư nếu chưa được sớm khởi động lại.

Sớm tái khởi động hoặc thu hồi chủ trương

Sau nhiều năm dự án đường sắt Yên Viên-Cái Lân bị “treo" gây bức xúc cho người dân vùng dự án, mới đây, ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ký văn bản số 518/UBND-GT1 về việc giải quyết vướng mắc đối với Tiểu dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long gửi Bộ Giao thông vận tải để sớm có phương án đối với dự án này.

Quảng Ninh ‘chào thua’ dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng ‘bất động’ gần 20 năm - Ảnh 1.

Sau nhiều năm dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân bị “treo" gây bức xúc cho người dân vùng dự án.

Văn bản nêu rõ việc sớm tái khởi động dự án sẽ góp phần giải quyết các tồn tại khó khăn vướng mắc trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng công trình đối với các hộ dân có diện tích nằm trong phạm vi thực hiện dự án, giúp người dân sớm được bồi thường giải phóng mặt bằng ổn định đời sống, tránh kiến nghị, khiếu kiện kéo dài; đồng thời để dần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh trong khu vực có tuyến đường đi qua.

UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép khởi động lại Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để giải quyết dứt điểm các thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong phạm vi Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp dự án chưa được sớm khởi động lại, đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, thu hồi chủ trương đầu tư để có cơ sở thu hồi, hủy bỏ các văn bản liên quan đến việc thu hồi đất trên dự án giải phóng mặt bằng thuộc Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long.

Quảng Ninh ‘chào thua’ dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng ‘bất động’ gần 20 năm - Ảnh 2.

Ga Hạ Long mỗi ngày chỉ đón 1 đoàn tàu duy nhất chở không đến chục người.

Ngày 12/2 vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, trong đó có ưu tiên tuyến đường từ Uông Bí lên Yên Tử, đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang, đường ven biển, hạ tầng cửa khẩu biên giới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tỉnh Lạng Sơn triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 4B nối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, từ đó kết nối Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng và kết nối vùng Đông Bắc - Tây Bắc; đồng thời sớm khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại phải dừng lại từ năm 2011.

Dự án gần 20 năm ngưng trệ

Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được phê duyệt đầu tư từ năm 2004 với chiều dài 131km (43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp). Tuyến đường sắt này bắt đầu từ ga Yên Viên đi qua địa bàn TP. Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh và kết thúc tại cảng Cái Lân thuộc TP. Hạ Long.

Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải làm rõ tiến độ và kế hoạch triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và các cam kết của Bộ đối với dự án này, sau gần 20 năm ngưng trệ.

Quảng Ninh ‘chào thua’ dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng ‘bất động’ gần 20 năm - Ảnh 3.

Ga Cái Lân bỏ hoang gần 20 năm nay không một chuyến tàu qua lại.

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Bộ Giao thông vận tải đã triển khai đầu tư dự án từ năm 2005. Tuy nhiên, giai đoạn 2008 - 2011, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mặt khác, nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn vừa qua bố trí cho Bộ Giao thông vận tải hạn chế, phải cân đối, ưu tiên bố trí đầu tư các công trình động lực theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà Nước, Chính phủ. Do đó chưa thể bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Quảng Ninh ‘chào thua’ dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng ‘bất động’ gần 20 năm - Ảnh 4.

Gần 3.000 hộ dân nằm trong vùng dự án bị ảnh hưởng kéo dài gần 20 năm chưa được giải quyết.

Dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu, đã có nhiều thay đổi về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực dự án đi qua nên phương án đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả.

Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban QLDA đường sắt lựa chọn tư vấn để tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024.

Được biết, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từ tháng 7/2008. Dự án có chiều dài 131km; có tổng mức đầu tư trên 7.600 tỷ đồng. Tại Quảng Ninh, theo thống kê có gần 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án đi qua.

Để thực hiện dự án này, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khoanh vùng và tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, thành phố Hạ Long có 721 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt phương án bồi thường đối với 615/721 hộ dân, đã chi trả cho 157/615 hộ với chi phí gần 33 tỷ đồng. Thành phố Uông Bí có tổng số 1.075 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt phương án 256 hộ, 2 tổ chức với tổng kinh phí gần 67 tỷ đồng. Thị xã Đông Triều có 1.186 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 950 hộ gia đình, đã chi trả tiền bồi thường cho 902 hộ gia đình, tổ chức với số tiền là 22,5 tỷ đồng.

Việc tạm dừng dự án kéo theo công tác giải phóng mặt bằng dở dang, ảnh hướng trực tiếp tới người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường, gây khiếu kiện kéo dài, nhất là khi tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023. Điều này đồng nghĩa với việc gần 3.000 hộ dân trong vùng dự án sẽ còn phải mòn mỏi đợi dự án tái khởi động.

Theo Hoàng Dương

Tiền phong

Trở lên trên