MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Ninh: Số hóa tạo bứt phá cho du lịch thông minh

05-08-2022 - 09:24 AM | Kinh tế số

Quảng Ninh: Số hóa tạo bứt phá cho du lịch thông minh

Quảng Ninh đang tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện, trong đó có ngành du lịch đang tích cực triển khai chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Tín hiệu tích cực…

Ngành Du lịch Quảng Ninh đang đón nhiều tín hiệu đáng mừng, lượng khách đến tăng vọt, thậm chí có giai đoạn còn cao hơn thời điểm trước dịch COVID-19. Theo thống kê của Sở Du lịch, từ đầu năm tới nay, Quảng Ninh đón khoảng 5,5 triệu du khách, tổng thu từ khách du lịch trên 12.100 tỷ đồng, đều tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Phó Giám đốc Khối hướng dẫn viên (TST Tourist) - Đào Việt Quân:  Quảng Ninh không chỉ sở hữu những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn có hệ thống hạ tầng giao thông hoàn hảo, giúp du khách di chuyển thuận lợi, nhanh chóng. Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng du lịch của Quảng Ninh và coi đây là địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch vùng Đông Bắc. Nơi đây có tiềm năng để thu hút khách nội địa phân khúc nghỉ dưỡng, nhất là lực lượng công nhân của các tập đoàn. Chúng tôi kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục là địa điểm dẫn đầu cho khách du lịch khi đến Đông Bắc và là địa phương trọng tâm, dẫn dắt cho các địa phương khác.

Quảng Ninh: Số hóa tạo bứt phá cho du lịch thông minh - Ảnh 1.

Từ đầu năm tới nay, Quảng Ninh đón khoảng 5,5 triệu du khách

Thời gian tới, TST Tourist sẽ triển khai hợp tác trong việc nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các chương trình tour du lịch hấp dẫn, mới lạ tại Quảng Ninh và các tỉnh Đông Bắc. Cùng với đó, đơn vị sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ ngành Du lịch của Quảng Ninh.

Bắt nhịp cùng sự vận động của ngành du lịch trong nước, quốc tế và thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành du lịch Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là giải pháp, cũng là hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững.

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn đến việc thay đổi hành vi và xu hướng của khách du lịch. Nhu cầu đặt tour du lịch online, phương thức tiếp cận khách hàng, quảng bá, giao dịch, thanh toán dịch vụ đang chuyển dần sang môi trường số, xu hướng du lịch “không chạm” của du khách đã trở thành sự ưu tiên hàng đầu trong ngành du lịch hậu COVID-19. Do đó, chuyển đổi số đang trở thành lựa chọn của những tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch nếu muốn tồn tại, phát triển trong thời kỳ cách mạng 4.0.

Cụ thể như, TP Hạ Long nơi đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian vừa qua địa phương này đã và đang tích cực triển khai chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Mới đây, thành phố đã triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phấn đấu đến năm 2025, có từ 90% người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm,…

Quảng Ninh: Số hóa tạo bứt phá cho du lịch thông minh - Ảnh 2.

TP Hạ Long nơi đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian vừa qua địa phương này đã và đang tích cực triển khai chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Du lịch thông minh

Theo lãnh đạo TP Hạ Long, từ đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, TP Hạ Long đang phấn đấu tạo cho người dân ở khu vực đô thị thói quen thanh toán không tiền mặt; tạo sự minh bạch trong các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả.

Hưởng ứng đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của TP Hạ Long và cũng là tạo thuận tiện cho du khách, xây dựng điểm đến du lịch văn minh, hiện đại, tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu hiện đang triển khai thí điểm “Phố thông minh không dùng tiền mặt” trong Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu. Mô hình thí điểm đang mang lại nhiều tiện ích cho cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và khách du lịch khi đến tham quan tại khu du lịch cũng như Vịnh Hạ Long.

Tại “Phố thông minh không dùng tiền mặt”, mỗi hộ kinh doanh được hướng dẫn cài đặt miễn phí ứng dụng Viettel Money và 1 mã QR code riêng phục vụ cho việc thanh toán. Hiện cơ bản các hộ kinh doanh đã tham gia, bước đầu khuyến khích các hoạt động giao dịch, thanh toán thông qua ứng dụng Viettel Money và các hình thức số khác, từng bước hướng tới 100% các giao dịch được chuyển dịch sang thanh toán số.

Trên cơ sở thí điểm, mô hình “Phố thông minh không dùng tiền mặt” sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn tỉnh. Mô hình không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực, nhất là du lịch mà còn giúp tối ưu hóa dịch vụ, tạo môi trường du lịch văn minh, hiện đại trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh.

Quảng Ninh: Số hóa tạo bứt phá cho du lịch thông minh - Ảnh 3.

Ngành Du lịch Quảng Ninh đang đón nhiều tín hiệu đáng mừng, lượng khách đến tăng vọt, thậm chí có giai đoạn còn cao hơn thời điểm trước dịch COVID-19

Hiện nay, hình thức thanh toán trực tuyến đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, với đa dạng loại hình như: Hệ thống các máy POS (máy quẹt thẻ) hay các phần mềm thanh toán của ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ, quét mã QR Code liên kết với tài khoản ngân hàng để du khách quẹt mã thanh toán. Hay đơn giản hơn, ở các nhà hàng, quán ăn, đặt sẵn các số tài khoản ngân hàng để du khách tiện giao dịch.

Được biết, trong số các điểm đến hấp dẫn tại Quảng Ninh đang bắt nhịp tốt với chuyển đổi số không thể không kể đến cách làm của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã và đang góp phần đưa du lịch Hạ Long ngày một hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập.

Theo đó, từ tháng 6, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thực hiện thu phí vé tham quan Vịnh Hạ Long bằng internet banking và quét mã QR. Theo thống kê, tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử hiện chiếm khoảng 40% tổng số giao dịch thu phí tham quan vịnh và đang tiếp tục tăng lên. Cùng với đó, tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã triển khai thí điểm phố thông minh không dùng tiền mặt.

Anh Nguyễn Văn Nam (quận Ngô Quyền - Hải Phòng) cho biết: Hiện nay phần lớn ai cũng có điện thoại thông minh, các cửa hàng dịch vụ mua sắm, ăn uống thì hầu hết đều có thể quẹt thẻ, chuyển khoản, quét mã để thanh toán nên mọi người không còn thói quen mang nhiều tiền mặt theo người. Vì vậy, với việc thanh toán tiền vé thăm vịnh bằng internet banking và quét mã QR sẽ giúp thuận tiện rất nhiều cho du khách nhất là với những đoàn khách số lượng lớn thì việc thanh toán này sẽ nhanh chóng, chính xác hơn nhiều.

Trước đó, vào tháng 4, du khách tham quan Vịnh Hạ Long đã được áp dụng hóa đơn điện tử tích hợp vé tham quan vịnh và dịch vụ hành khách qua cảng thay vì mua vé giấy như trước kia. Với tiện ích này, các thông tin về du khách sẽ được số hóa và lưu trữ bảo mật, thuận tiện cho công tác quản lý, tra cứu, xử lý tình huống phát sinh một cách nhanh chóng. Theo kế hoạch chuyển đổi số, thời gian tới, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp tục thực hiện số hóa hệ thống thông tin, triển khai bán vé tự động, trợ lý ảo du lịch bằng trí thông minh nhân tạo AI...

Quảng Ninh: Số hóa tạo bứt phá cho du lịch thông minh - Ảnh 4.

Ngành du lịch Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là giải pháp, cũng là hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững.

Có thể thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện rất phổ biến ở các thành phố lớn, trở thành một thói quen của nhiều người dân, cũng như du khách. Với ngành Du lịch, các giao dịch được thực hiện trực tuyến, không dùng tiền mặt sẽ tạo thuận tiện tối đa cho du khách và gia tăng trải nghiệm, ấn tượng tốt với điểm du lịch, từ đó tăng khả năng cạnh tranh cũng như gia tăng chi tiêu cho du khách khi trải nghiệm đa dịch vụ tại Quảng Ninh.

Những lợi ích trong thanh toán không dùng tiền mặt là rất lớn, đặc biệt đối với ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, để hình thành thói quen cho doanh nghiệp, người dân và du khách thì rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, tạo cơ chế; ngành Du lịch Quảng Ninh cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trên tinh thần gia tăng trải nghiệm cho du khách khi tham quan các điểm đến trên địa bàn tỉnh.

Theo Minh Huệ - Trung Thành

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên