Quên các trung tâm tiếng Anh đông nghịt học sinh đi, giờ là thời của E-Learning nhờ nền tảng công nghệ
Không phải chỉ khi dịch bệnh bùng phát các trung tâm dạy tiếng Anh mới dịch chuyển sang mô hình đào tạo trực tuyến, mà E-Learning và "homeschooling" đã trở thành xu hướng mới trong đào tạo tiếng Anh.
- 03-04-2020Thiệt hại 6 tỷ đồng, đóng cửa 2 cơ sở và cắt giảm 50% quỹ lương, trung tâm tiếng Anh này lập tức chuyển đổi thành trường học trực tuyến được kiểm định từ Mỹ
- 26-03-2020Nhu cầu học trực tuyến mùa dịch tăng cao, CEO ELSA Văn Vũ tặng luôn 3 tháng miễn phí học tiếng Anh tại nhà cho người dân cả nước
- 12-12-2019Topica đầu tư thêm 3,5 triệu USD phát triển nền tảng học tiếng Anh trực tuyến Kidtopi
Thời đi học người viết có "thâm niên" trong nhóm bạn theo học nhiều thầy cô dạy tiếng Anh nổi tiếng tại Hà Nội hồi cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Từ thầy Hùng "MA", thầy Mạnh "TOEFL" đến thầy Hoàn "Trần Hưng Đạo" và cả thầy Giang "cao thủ" dạy môn dịch.
Thời hoàng kim của dạy thêm tiếng Anh là vào những năm 1995-2005. "Giỏi tiếng Anh" là một dòng chữ bắt buộc phải có trong các bản CV nếu muốn "apply" vào các công ty danh giá. Đó là lý do suốt một thời gian dài các trung tâm Anh ngữ của các tổ chức quốc tế (British Council, Languague Link..) cũng như các lớp học thêm của tư nhân luôn nhộn nhịp học viên. Tuy nhiên, cách mạng công nghệ 4.0 đã thay đổi toàn bộ việc học Anh ngữ và biến mỗi học sinh trở thành chủ thể chính trong việc học chỉ với chiếc laptop kết nối Internet ở nhà với tên gọi E-Learning hay "homeschooling".
Xu hướng "go online" không thể đảo ngược
Việc học tiếng Anh đòi hỏi người học phải thường xuyên ôn tập hàng ngày như một thói quen nhằm duy trì phản xạ và nâng cao kỹ năng. Thói quen này cần được lặp đi lặp lại nhờ vào sự tự giác thực sự của người học chứ không phải chỉ khi ngồi trong lớp, trước mặt giáo viên. Vì lẽ đó, nếu một học sinh 14 tuổi có động lực cao với sự tự giác và lòng quyết tâm thì với sự trợ giúp của các nền tảng công nghệ, học sinh ấy hoàn toàn có thể làm chủ ngoại ngữ này nhờ "homeschooling".
Trên trang web của mình, British Council (Hội đồng Anh) thông báo họ thiết kế nhiều nội dung bài học tiếng Anh nhằm giúp người học có thêm nguồn tài liệu bổ trợ để tự rèn luyện kiến thức ở bất kỳ đâu, tại bất kỳ thời điểm nào ngoài giờ học trên lớp thông qua các ứng dụng. Trung tâm này mở các khóa dạy tiếng Anh dành cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS, THPT, tiếng Anh giao tiếp myClass và luyện thi IELTS.
Trong khi đó, Elsa Speak – ứng dụng dạy phát âm tiếng Anh được quảng cáo là "phát âm chuẩn giọng bản ngữ" – sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp người học nâng cao kỹ năng nói. Đây là phần mềm do Văn Đinh Hồng Vũ, một alumni (cựu sinh viên) Đại học Stanford (Mỹ) phát triển từ giữa năm 2015. Với các thao tác đơn giản, bất cứ ai cũng có thể tải ứng dụng này về smartphone của mình và luyện phát âm vào lúc rảnh rỗi.
"Bạn sẽ không nhận ra, phát âm quan trọng đến nhường nào đâu cho đến khi sống, học tập và làm việc ở nước ngoài", Vũ lý giải cho quyết định sáng lập Elsa.
Từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều đơn vị đào tạo đã xác định "go online" là một xu hướng không thể đảo ngược đồng thời xây dựng lộ trình bài bản để chuẩn bị cho mô hình của tương lai. Tổ chức giáo dục Yola xây dựng lớp học trực tuyến mang tên Smart Learning cho phép học viên học từ xa với các khung giờ linh hoạt. Tính năng "Break out room" được thiết kế nhằm làm gia tăng sự tập trung của học viên, giáo viên hướng dẫn lớp theo nhóm hoặc nhiều nhóm nhỏ hơn, trong khi các học sinh tương tác và trao đổi với bạn cùng lớp.
EQuest Education, một tổ hợp giáo dục trong đó có trung tâm tiếng Anh IvyPrep Education, đã cung cấp các giải pháp nội dung và công nghệ giúp học sinh học từ xa. Cách đây 8 tháng, IvyPrep đã thiết kế các chương trình luyện thi các bài thi chuẩn hóa quốc tế cũng như dịch vụ tư vấn du học học bổng Mỹ được nội địa hóa như IELTS online (học sinh tự luyện thi IELT hoàn toàn trực tuyến); SAT online (học sinh tự luyện thi SAT hoàn toàn trực tuyến) hay CAGo (tư vấn du học từ xa: huấn luyện trực tuyến giành học bổng).
TS Phạm Hiệp, chuyên gia giáo dục của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Giáo dục, cho biết việc chuyển đổi sang mô hình dạy học trực tuyến của các cơ sở không chỉ là một giải pháp tạm thời mà sẽ trở thành xu thế tất yếu. Sự phát triển vũ bão của công nghệ cũng như các tiện ích và sự linh hoạt mà học Anh ngữ từ xa mang lại đã được các chuyên gia giáo dục thế giới dự báo từ trước.
ThS Chung Phạm Ngọc Hiền, Giám đốc học thuật Yola cho biết vào thời điểm tổ chức này đối phó với dịch bệnh bằng cách đưa ra các khóa học online thì chỉ sau một ngày đã có khoảng 3.000 học sinh đăng ký. Tính đến nay tổng số học sinh tham gia học online thuộc hệ thống Yola là gần 10.000 em.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT năm 2017 cho phép các trường đại học, cao đẳng và cơ sở giáo dục đào tạo từ xa hoàn toàn bằng phương pháp trực tuyến. Gần đây, bộ cũng có dự thảo thông tư về quy định và tiêu chuẩn đưa E-Learning vào chương trình chính quy, trong đó quy định bắt buộc các trường dành một phần tỷ lệ nhất định cho cách dạy này bên cạnh cách dạy truyền thống.
Nền tảng công nghệ đóng vai trò quyết định
Một hệ thống dạy Anh ngữ lớn khác là Apax Leaders cũng đẩy mạnh giải pháp đào tạo online. Hệ thống này tin rằng các lớp học online có thể đạt đến 95% kết quả như các lớp học trực tiếp. Cho đến nay đã có khoảng 60.000 học sinh thuộc hệ thống này tham gia các lớp học online mang tên ESL-Live. Đây là chương trình học online miễn phí trung tâm này tặng cho học viên trong mùa dịch.
Bà Ngô Thùy Ngọc Tú, Chủ tịch HĐQT Yola, nói: "Yola Smart Learning được đầu tư và xây dựng bởi đội ngũ phát triển sản phẩm giàu kinh nghiệm. Không chỉ cho thấy sự ứng phó có chiến lược, Yola luôn khát khao mang đến một nền tảng học tập có thể tiếp cận được nhiều bạn học sinh Việt Nam mọi lúc mọi nơi".
Chuyển động mạnh mẽ hơn cả là dự án chuyển đổi nội dung số do IvyPrep khởi động từ tháng 2/2019. Trung tâm này đã thiết lập xong hệ thống LMS (Learning Management System-Hệ thống Quản trị Việc học) của riêng mình trên nền tảng Canvas và đặt máy chủ tại Việt Nam. Việc này giúp đường truyền luôn giữ được sự ổn định ngay cả khi người dùng Internet ở Việt Nam gặp vấn đề với đường truyền quốc tế như sự cố đứt cáp quang biển gần đây. Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Giám đốc Sản phẩm và Phát triển chương trình của EQuest, tập đoàn sở hữu IvyPrep Education, cho biết bộ phận RnD (Nghiên cứu và Phát triển) của DreamLab – một đơn vị trực thuộc EQuest – đã "xới tung" nhiều hệ thống LMS nhằm tìm ra được nền tảng công nghệ quản lý nội dung số các môn học tốt nhất.
Theo bà Hương, đây là cuộc chơi đường dài không đơn giản của các đơn vị giáo dục. LMS là nền tảng giúp quản lý nguồn học liệu khổng lồ như bài giảng, tài liệu (file nghe, word, pdf), cấu trúc điểm... Nó giúp giáo viên truy cập tài khoản và sử dụng kho học liệu, lưu trữ ngân hàng câu hỏi, bài tập, bài kiểm tra trực tuyến bao gồm cả đầu vào/giữa kì và đều được lưu trữ trên hệ thống.
"Trong việc tự học từ xa và "homeschooling" thì nội dung hấp dẫn có ý nghĩa quyết định đến việc duy trì động lực học tập của học sinh", bà Liên Hương nói với Trí Thức Trẻ.
Trong vòng một năm, tổ chức giáo dục này đã làm việc với hơn 20 nhà cung cấp "courseware" (môn học) các môn học phổ thông Mỹ theo chuẩn "Common Core State Standards". Các chuyên gia RnD của họ đã phân tích từng module chương trình của từng nhà cung cấp để tìm ra 3 chương trình và nền tảng LMS có nội dung học hấp dẫn, có tính thực tiễn cao và phù hợp với học sinh Việt Nam gồm Florida Virtual School, Plato Courseware và Mizzou Academy thuộc Đại học Mizzou (top 50 trường đại học giáo dục của nước Mỹ).
Để có nguồn lực đầu tư cho các nền tảng công nghệ như LMS và CRM (Customer Relationship Management-Quản lý Khách hàng), khi dịch bệnh xảy ra EQuest đã tiến hành rà soát và cắt giảm các chi phí như marketing, back office… Hệ thống LMS của trung tâm này tích hợp công nghệ BBB (Big Blue Button) đem đến tính năng "Live class/Conference" với hai lớp bảo vệ ngay trong hệ thống mà không phải sử dụng công cụ bên ngoài. Khi E-Learning trở nên phổ biến trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì tính bảo mật của các ứng dụng học trực tuyến là vấn đề lớn đối với các cơ sở giáo dục. Ứng dụng Zoom mới đây đã bị nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới cấm sử dụng tại các trường học do lo ngại về khả năng sao chép dữ liệu người dùng.
Dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới dừng guồng hoạt động thường ngày và chuyển lên trực tuyến. Thông thường chuyện thay đổi hành vi là điều khó nhất, nhưng khi các thay đổi đã vào guồng thì có thể sẽ trở thành thói quen mới và ở lại rất lâu.
Học tập tại nhà là một trong những xu hướng đó. Các doanh nghiệp giáo dục và đào tạo cần áp dụng công nghệ để chuyển đối số thành công. Việc số hóa nội dung đào tạo trong các tổ chức giáo dục trực tuyến (E-Learning) đang dẫn đầu xu hướng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nền tảng điện toán đám mây.
Công nghệ đám mây chính là yếu tố không thể thiếu trong bộ ba trụ cột: Giảng viên, dịch vụ và công nghệ - Bộ ba tạo nên thành công vượt trội của giáo dục trực tuyến.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19