MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Quên” nộp thuế có thể bị khởi tố

Các cá nhân có khoản thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube... cố tình chây ỳ, trốn tránh nộp thuế có thể bị khởi tố vì tội trốn thuế.

Như đã đề cập ở bài trước, hiện ngày càng nhiều cá nhân có doanh thu từ các trang mạng xã hội với số tiền lên đến cả chục tỷ đồng/năm nhưng không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Đơn cử, mới đây, hai cá nhân ở TP.HCM và Quảng Nam đang bị cơ quan Thuế truy thu hàng tỷ đồng vì có các khoản thu từ Google, Facebook nhưng lại không kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, đây không phải trường hợp cá biệt bởi tại Việt Nam hiện nay có không ít cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook không hề nhỏ nhưng lại “quên” kê khai nộp thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, theo các quy định của pháp luật về thuế, cá nhân phải tự kê khai thuế, tự nộp và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thông qua cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế kê khai, nếu phát hiện gian lận, cơ quan thuế sẽ có những biện pháp ấn định và truy thu, xử phạt. Tuy nhiên, ý thức chủ động của các chủ này chưa cao, trong khi vẫn có những khó khăn trong việc quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh qua Facebook, Google.

“Quên” nộp thuế có thể bị khởi tố - Ảnh 1.

Cá nhân có thu nhập khủng từ Google "quên" nộp thuế có thể bị khởi tố vì tội trốn thuế (Ảnh minh họa: KT)


“Về nguyên tắc, khi quảng cáo thì đơn vị quảng cáo phải khấu trừ thuế. Cơ quan thuế có thể phối kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, các ngân hàng để xem cơ sở dữ liệu. Kể cả khi xóa cơ sở dữ liệu đi thì những cơ quan này cũng có quyền khôi phục dữ liệu lại để điều tra, tính lại số thuế mà hộ kinh doanh trốn, gây thất thu" bà Cúc cho hay.Bà Cúc cho biết, đối với những các hộ kinh doanh lớn, tiền được chuyển qua ngân hàng, ví điện tử… Cơ quan thuế có thể thông qua các đơn vị này để biết doanh thu, thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, phía ngân hàng, cơ quan chuyển tiền cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin. Nhưng nếu đơn vị bán hàng qua Facebook và thu bằng tiền mặt thì khó kiểm soát hơn.

Còn theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế, theo Luật Quản lý thuế hiện hành, các Ngân hàng thương mại không có trách nhiệm phải cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng. Do vậy, những cá nhân có thu nhập từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được phát hiện khi cơ quan Thuế yêu cầu các ngân hàng thực hiện biện pháp rà soát.

“Ở Việt Nam đang có khoảng trên 60 ngân hàng thương mại và có hàng triệu tài khoản ngân hàng. Thông tin về tài khoản là bảo mật của khách hàng. Các ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin trong trường hợp được cơ quan Thuế yêu cầu. Đây là khó khăn chính đối với việc quản lý thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng, nhất là khi những cá nhân này nhận tiền từ những trang web không phải của Việt Nam”, ông Huy cho biết.

Cần chế tài mạnh

Để hạn chế tình trạng trốn thuế, ông Lưu Đức Huy cho biết, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã đưa ra 2 nội dung quan trọng để tăng cường quản lý của cơ quan chức năng đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Một là, kiểm soát hoạt động thanh toán. Ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế phát sinh đối với giao dịch thương mại điện tử của các tổ chức nước ngoài có kinh doanh và phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để sau này Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cho ngân hàng thương mại và các tổ chức cá nhân liên quan triển khai thực hiện.

Hai là, bổ sung trách nhiệm của các bộ ngành, tổ chức đơn vị liên quan đến kinh doanh thương mại điện tử như ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an,…

Ông Lưu Đức Huy cũng lưu ý, riêng đối với những trường hợp đã có quyết định truy thu, đã hướng dẫn, tuyên truyền mà người nộp thuế vẫn cố tình chây ỳ không nộp thì cơ quan Thuế sẽ xác định là trốn thuế. Cơ quan Thuế sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an để điều tra, trường hợp cần thiết sẽ khởi tố theo quy định của pháp luật.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, cần có chế tài xử lý một cách nghiêm khắc hơn đối với các hành vi “quên” nộp thuế, đồng thời nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò của cơ quan thuế trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thuế cũng như thực thi các biện pháp cưỡng chế thuế một cách kiên quyết, dứt khoát hơn.

“Các chủ thể kinh doanh phải tự nhận thức được việc kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả kinh doanh mua bán hàng hóa hay kinh doanh các dịch vụ đều phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng các loại thuế cho Chính phủ Việt Nam. Phải có chế tài xử lý thật nghiêm, nếu chủ thể kinh doanh sai phải bị phạt nặng, có như thế thì việc thực hiện nghĩa vụ thuế mới đi vào nền nếp và thực sự được những người kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam tôn trọng”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Kinh doanh có lợi nhuận thì phải đóng thuế cho nhà nước, đây là quan niệm tồn tại ở bất kỳ nền kinh tế, hạ tầng công nghệ nào. Các chuyên gia cũng cho rằng cần chống thất thu, đảm bảo công bằng thuế đối với mọi loại hình kinh doanh, dịch vụ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện, xây dựng chính sách thuế chặt chẽ, minh bạch, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng liên quan trong việc quản lý thuế. Có như vậy, câu chuyện chống thất thu thuế mới tránh được tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Xa hơn, ngân sách nhà nước sẽ có thêm tiền và Nhà nước cũng không phải tính chuyện tăng sắc thuế nào đó khi vừa giảm sắc thuế kia như đã từng xảy ra./.


Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên