MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quên "Sell in May" đi, trong 4 năm gần nhất thì có tới 3 năm TTCK tăng điểm trong tháng 5

Thống kê chỉ ra rằng trong 4 năm gần nhất (2013 – 2016) thì có tới 3 năm chỉ số VnIndex tăng điểm trong tháng 5. Năm giảm điểm duy nhất của VnIndex trong giai đoạn này rơi vào năm 2014 do ảnh hưởng từ sự kiện Biển Đông.

Đến hẹn lại lên, mỗi đợt tháng 5 về, TTCK lại bị “ám ảnh” bởi câu nói “Sell in May and go away” (Bán chứng khoán vào tháng 5 và đi chơi). Việc giới đầu tư chứng khoán lo ngại kịch bản không mấy tích cực trong tháng 5 cũng là điều dễ hiểu bởi những con số thống kê cho thấy xu hướng TTCK Thế giới, bao gồm Việt Nam nhìn chung khá ảm đạm. Theo đó, kể từ khi ra đời vào năm 2000 tới nay, chỉ số VnIndex đã có tới 10 năm giảm điểm trong tháng 5.

Diễn biến kém tích cực của TTCK trong tháng 5 có thể lý giải bởi đây là giai đoạn khoảng trống thông tin xuất hiện. Hầu hết các tin tức vĩ mô quan trọng trong nước đều được công bố vào quý 1, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu rơi vào tháng 4. Tháng 5 là thời điểm các thông tin lác đác xuất hiện, thị trường thiếu vắng sự hỗ trợ dẫn tới xu thế thận trọng là chủ đạo trên thị trường.

Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại, đặc biệt từ các quỹ ETF thường đẩy mạnh mua ròng từ tháng 1 đến tháng 4 và họ thường quay đầu bán ròng từ tháng 5 đến tháng 10. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư bởi thị trường thiếu đi lực đỡ quan trọng.

Trên TTCK Việt Nam, mặc dù chưa đến tháng 5 nhưng ngay từ giữa tháng 4 áp lực bán đã gia tăng đáng kể. Chỉ số VnIndex từ vùng đỉnh 730 điểm (phiên 11/4/2017) hiện chỉ còn quanh ngưỡng 706 điểm, tương ứng mức điều chỉnh hơn 3% chỉ trong thời gian ngắn.

Không chỉ giảm mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng giảm đáng kể. Thời điểm VnIndex đạt đỉnh 730 điểm, giá trị khớp lệnh trên HoSE ở mức 3.500 tỷ đồng thì đến nay chỉ còn quanh ngưỡng 2.500 tỷ đồng.

Việc dòng tiền rút đi nhanh chóng càng khiến nhà đầu tư lo ngại về kịch bản không mấy êm ả với TTCK khi tháng 5 đang tới gần.

Tháng 5 năm nay TTCK Việt Nam sẽ tích cực hơn?

Mặc dù “Sell in May” đã được kiểm chứng đúng nhiều lần trong quá khứ, nhưng điều này không có nghĩa tháng 5 luôn mang lại điều kém tích cực, đặc biệt trong những năm gần đây.

Cụ thể, thống kê chỉ ra rằng trong 4 năm gần nhất (2013 – 2016) thì có tới 3 năm chỉ số VnIndex tăng điểm trong tháng 5. Năm giảm điểm duy nhất của VnIndex trong giai đoạn này rơi vào năm 2014 do ảnh hưởng từ sự kiện Biển Đông. Những con số thống kê phần nào cho thấy “Sell in May” không tác động quá nhiều tới TTCK Việt Nam như quan niệm của giới đầu tư bấy lâu nay.

Giai đoạn gần đây, TTCK Việt Nam có nhịp điều chỉnh tương đối đã đưa mặt bằng cổ phiếu về vùng giá hợp lý hơn, hấp dẫn nhà đầu tư tham gia và qua đó cũng giúp thị trường bớt phần áp lực trong tháng 5.

Hiện tại, thị trường đang được hỗ trợ không nhỏ từ lực mua của khối ngoại. Tính riêng trong tháng 4, khối ngoại đã mua ròng 2.137 tỷ đồng trên HoSE và nếu điều này tiếp tục được duy trì thì khả năng điều chỉnh sâu của thị trường là không quá cao.

Trong bản tin mới đây, CTCK HSC cho rằng sau vài ngày bị bán ra thì hiện thị trường giảm có lẽ là do thiếu lực mua hơn là do nhà đầu tư tỏ ra bi quan. Điều này cho thấy chỉ cần có lực mua xuất hiện thì thị trường có thể sẽ đảo chiều.

HSC cũng dự báo thị trường có thể sẽ hồi phục và tăng trong tháng 5 khi mùa công bố KQKD quý 1 nói chung tương đối tích cực và diễn biến hầu hết các TTCK trên thế giới vẫn tỏ ra khá lạc quan.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên