MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội dành bao nhiêu ngày bầu lãnh đạo Nhà nước?

15-06-2021 - 20:31 PM | Xã hội

Dự kiến khai mạc vào ngày 20/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ dành thời gian cho công tác nhân sự, bầu các chức danh chủ chốt Nhà nước trong nhiệm kỳ mới.

Ðổi mới ngay

Chiều 14/6, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến, tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày. Trong đó, công tác nhân sự 5 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác 4,5 ngày… Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều 19/7, khai mạc ngày 20/7 và dự kiến bế mạc sáng 3/8.

 Quốc hội dành bao nhiêu ngày bầu lãnh đạo Nhà nước?  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Như Ý

Tại kỳ họp, Chính phủ đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị chuyển nội dung về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021- 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021- 2025 sang kỳ họp cuối năm 2021. Về vấn đề này, Chính phủ có trách nhiệm giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do lùi thời điểm trình làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội.

Cũng tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhân sự các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội ngay sau phiên khai mạc để các cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Còn thời điểm cụ thể xem xét, tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với lịch công tác của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kỳ họp này cần có ngay những đổi mới trong công tác tổ chức. Thời lượng để trình các báo cáo cần giảm bớt cho hợp lý, không nên quá dài, làm sao để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn nâng cao chất lượng kỳ họp. Đặc biệt, cần quyết tâm đổi mới công tác thư ký, nhất là thảo luận tại tổ phải chuyên nghiệp hơn. Đại biểu Quốc hội nói gì thì thư ký phải tổng hợp được ngay.

Đây là kỳ họp đầu tiên của khóa XV, rất đông đại biểu tham gia lần đầu và họp tập trung trong điều kiện dịch bệnh phức tạp nên công tác phòng, chống dịch cần thực hiện nghiêm ngặt.

Năm 2022 có thể sửa Luật Ðất đai

Sáng 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình năm 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi trong chương trình năm 2022 “chưa thấy bóng dáng của Luật Đất đai”, mặc dù theo chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, vào tháng 5/2022 sẽ trình sửa Luật Đất đai.

Theo ông Thanh, khi đi công tác, làm việc với địa phương, rất nhiều ý kiến nói về vướng mắc trong quy định của Luật Đất đai. Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã có một số vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo đã được sửa đổi, nhưng có những vấn đề cốt lõi thì cần phải sửa Luật Đất đai. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn việc có kịp để trình Luật Đất đai trong năm 2022 hay không. Ông Thanh nói thêm, khi gọi điện cho bộ trưởng Bộ TN&MT, bộ trưởng nói, tháng 5/2022 “có thể đáp ứng được yêu cầu”.

Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhiệm kỳ này, ông đã báo cáo đưa dự án Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, nhưng sau đó theo đề nghị của Bộ TN&MT, ông lại báo cáo để xin rút ra. “Mỗi lần báo cáo về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu Quốc hội phát biểu rất gay gắt. Vì vậy chắc chắn không lùi được nữa, bởi lẽ Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19 và đã có chương trình làm việc cụ thể. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã có chương trình làm việc cụ thể để nghe về tổng kết Luật Đất đai, Chính phủ cũng đang triển khai, làm song song rất nhiều việc cùng một lúc”, ông Long khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, việc sửa Luật Đất đai là khả thi. Bởi việc này không bắt đầu từ số 0, mà đã có tổng kết, nhóm họp, thảo luận, đã tách ra một số vấn đề để xử lý, còn lại khoảng 14 vấn đề cơ bản cần phải xử lý cũng đã được tính đến. “Bộ TN&MT cùng một lúc nghiên cứu những vấn đề đã đúc rút được, đưa vào báo cáo tổng kết để trình Ban Chấp hành Trung ương đồng thời cùng lúc để xây dựng dự án luật này. Tôi nghĩ trong năm 2022 hoặc cuối năm 2022, nếu cùng một lúc Trung ương xem xét nghị quyết này thì kịp để trình dự án luật, hoặc đầu năm 2023 sẽ trình được”, Bộ trưởng Long cho hay.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội về một số dự án luật hiện nay đã quá hạn. Ví dụ như sửa đổi Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, sửa đổi tổng thể các luật thuế đảm bảo đồng bộ… “Có những dự án luật giao từ năm 2017, phải trình Quốc hội trong giai đoạn 2017- 2018 nhưng đến nay chưa xong”, ông Định nêu.

Về chương trình giám sát năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất lựa chọn 4/6 chuyên đề để đưa ra Quốc hội, gồm: Việc thực hiện pháp luật về công tác lập quy hoạch giai đoạn 2021- 2030; việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm về tài chính, tài sản công, mua sắm công, dịch vụ sự nghiệp công…); việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.


Theo Thành Nam

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên