MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội nhận lỗi về sai sót trong Bộ luật hình sự

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật và Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng đã nói như vậy tại cuộc họp báo đang diễn ra sáng 30-6 tại Văn phòng Chủ tịch nước.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung thông báo ngày 29-6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký lệnh công bố nghị quyết lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự năm 2015.

Tên nghị quyết đầy đủ như sau: “Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016”.

Thời điểm thực hiện các đạo luật trên do Quốc hội khóa XIV quyết định, sau khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự.

Dưới đây là trả lời của những người có trách nhiệm:

* PV: Để xảy ra sai sót lớn trong nội dung Bộ luật hình sự (sửa đổi) có trách nhiệm của gần 500 đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhưng quá trình soạn thảo, thông qua bộ luật quan trọng này có sự phân công, phân nhiệm cụ thể. Xin ông cho biết Quốc hội sẽ cá thể hóa trách nhiệm và xử lý trách nhiệm như thế nào, Quốc hội có gửi lời xin lỗi đến cử tri, nhân dân không?

- Ông Đỗ Mạnh Hùng: Để xảy ra sai sót này có trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có cá nhân tôi - một trong những người ấn nút tán thành bộ luật. Tôi thấy có lỗi với cử tri về việc này.

Tới đây, sẽ tiếp tục làm rõ hơn trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, sau đó sẽ có xử lý cần thiết.

Việc có xin lỗi hay không, tôi nghĩ rằng Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá sau khi làm rõ những vấn đề như trên.

Việc phát hiện ra sai sót của bộ luật này trước hết là công lao của cử tri, thông qua báo chí, dư luận. Một lần nữa tôi nhận thấy rõ vai trò giám sát, phản biện của cử tri, nhân dân, của các phương tiện thông tin báo chí đối với hoạt động của Quốc hội.

* PV: Nghị quyết này đã được thông qua vào ngày 29-6 nhưng các đại biểu Quốc hội không đến dự họp tại hội trường, như vậy xin ông cho biết nghị quyết này được ban hành theo quy định nào của pháp luật?

- Ông Nguyễn Văn Luật: Nếu không có vấn đề gì, bộ luật có hiệu lực từ 1-7, như vậy thời gian rất gấp, cần phải xử lý. Chúng tôi đã tham mưu nhiều phương án, cuối cùng đã quyết định phương án là các ĐBQH ở 63 tỉnh, TP họp tại đoàn, nghe báo cáo, thảo luận tờ trình, xem xét danh sách ban kiểm phiếu.

Sau đó, các ĐBQH bỏ phiếu thông qua nghị quyết. Phiếu gửi đến ĐBQH cũng được thiết kế như biểu quyết ở hội trường, bao gồm: “tán thành”, “không tán thành”, “không biểu quyết”.

Phiếu của ĐBQH được chuyển về Nhà Quốc hội, kiểm phiếu theo đúng quy trình.

* VTV: Hướng sửa đổi Bộ luật hình sự tới đây sẽ như thế nào? Quốc hội rút ra bài học kinh nghiệm gì?

- Ông Nguyễn Văn Luật: Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, nhất là các cơ quan tư pháp báo cáo về những sai sót của Bộ luật hình sự năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm tiến hành rà soát, tập hợp những sai sót.

Qua rà soát, có thể khẳng định những sai sót chủ yếu là về lỗi kỹ thuật, còn những chủ trương, quan điểm, chính sách về hình sự của Đảng, Nhà nước thì không sai.

Tuy nhiên, những sai sót này có thể ảnh hưởng đến quá trình thực thi Bộ luật hình sự, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo các ĐBQH về vấn đề này.

Cá nhân tôi là ĐBQH, đã biểu quyết bộ luật, tôi nhận trách nhiệm của mình trước Quốc hội, trước Đảng, trước nhân dân. Sau vụ việc này, chúng tôi thấy rằng phải rút ra những bài học cụ thể, từ việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, đến việc lập ban soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân, thẩm tra…, đảm bảo chất lượng các dự án luật trước khi trình ra Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định trách nhiệm chung thuộc về tập thể Quốc hội, sau đây sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng cá nhân.

Theo Lê Kiên lược ghi

Tuổi trẻ

Trở lên trên