Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Sáng 22/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Một nội dung đang được quan tâm của dự thảo là việc liệu có đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện?
- 09-11-2016Chính phủ đề xuất 226 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
- 30-10-2016Chính phủ muốn bỏ 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
- 18-10-2016Chính phủ đề xuất giảm 49 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
PV: Thưa đại biểu, dự kiến ngày mai (22/11), các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc hoàn thiện dự thảo đến nay theo hướng nào, thưa ông?
ĐB Nguyễn Đức Kiên: Sáng 21/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã gửi phiếu xin ý kiến với các đại biểu Quốc hội về dự luật này. Cuối giờ chiều 21/11, các ý kiến này sẽ được tập hợp lại và tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra hoàn thiện dự thảo theo tinh thần những gì có thể làm được trong kỳ họp này thì quy định luôn, những gì chưa làm được, còn thiếu lý lẽ thuyết phục thì để sau.
Có 9 nhóm vấn đề liên quan đến dự thảo luật được gửi xin ý kiến đại biểu, trong đó có các vấn đề như: nhập 6 ngành nghề thuộc lĩnh vực y tế thành nhóm ngành nghề khám chữa bệnh; cụ thể hóa 5 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực dược phẩm; đưa hay không ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng ô tô vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện...
PV: Trong phiên thảo luận cuối tuần qua, nhiều đại biểu còn ý kiến khác nhau về việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu cũng như bảo trì, bảo dưỡng ô tô vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện. Quan điểm của ông ra sao?
ĐB Nguyễn Đức Kiên: Như tôi đã phát biểu, tôi đồng ý đưa ngành sản xuất ôtô vào chính sách hỗ trợ và bảo hộ của Nhà nước nhằm phát triển một ngành kinh tế có dư địa để phát triển theo chiều sâu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng phải đưa sản xuất, lắp ráp vào một nhóm và nhập khẩu là một nhóm. Nếu thực hiện chính sách bảo hộ có điều kiện cho ngành sản xuất ô tô, để ưu tiên phát triển công nghiệp ô tô thì chúng ta phải hỗ trợ và phải có điều kiện để ràng buộc đối với nhập khẩu ô tô. Như thế sẽ phù hợp hơn và thuận lợi hơn cho sự phát triển.
Còn về nhóm ngành bảo hành, bảo dưỡng, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đề nghị không đưa vào danh mục. Tôi cũng ủng hộ ý kiến này, nhất là khi cơ quan quản lý nhà nước của lĩnh vực này là Bộ Giao thông vận tải đề nghị như vậy thì mình cũng phải cân nhắc.
PV: Liên quan đến việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu cũng như bảo trì, bảo dưỡng ô tô vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện, có ý kiến băn khoăn liệu đây có phải là sự “tái xuất” của Thông tư 20/2011/TT-BCT?
ĐB Nguyễn Đức Kiên: Cách hiểu như vậy không đúng. Đưa vào hay không là phải xem xét đến việc có đưa ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành mũi nhọn trong công nghiệp cơ khí hay không. Ví dụ như tại Thái Lan, với một nền kinh tế như họ mà doanh số từ ô tô lên tới 35 - 40 tỷ USD/năm, giá trị của ngành ô tô chiếm khoảng 10% GDP, vậy sao chúng ta không tìm sân chơi để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào ngành có dư địa lớn này.
Chúng ta có thế mạnh là có thị trường gần 100 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên khoảng 4.000 USD vào năm 2025. Thu nhập đó cộng với đầu tư cơ sở hạ tầng thì thị trường ô tô có nhiều khả năng phát triển tốt hơn so với các nước trong khu vực.
Đó mới là mục tiêu quan trọng nhất chúng ta đặt ra khi quyết định đưa ngành này vào danh mục hay không đưa vào. Còn nói như quan điểm trên là chưa nắm hết tinh thần của chính sách.
PV: Vậy liệu dự thảo Luật hoàn thiện có tách riêng sản xuất, lắp ráp với nhập khẩu ô tô như quan điểm của ông hay không?
ĐB Nguyễn Đức Kiên: Tôi chưa rõ điều này, bản thân các đại biểu có thời gian thảo luận ngắn quá nên không có điều kiện để thuyết phục nhau. Nhưng điều này cũng không đáng ngại lắm vì theo Khoản 4 điều 8 của Luật Đầu tư thì danh mục có thể sửa theo định kỳ.
Nếu chính sách khi triển khai không như kỳ vọng thì năm sau chúng ta có thể bàn bạc để sửa tiếp. Vấn đề là giờ phải xem các cơ quan triển khai ra sao và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ô tô phản ứng thế nào.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thời báo tài chính