MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), bổ sung thẩm quyền của UBND phường

28-06-2024 - 10:39 AM | Bất động sản

Sáng 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với số phiếu tán thành rất cao, 462/470 ĐBQH biểu quyết thông qua.

Bổ sung thẩm quyền của UBND phường

Trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật, trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 28/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), bổ sung thẩm quyền của UBND phường- Ảnh 1.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Tại phiên họp, đã có 26 lượt ý kiến phát biểu và 7 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia bằng văn bản.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tóm tắt một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua.

Trong đó, về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (khoản 1 Điều 8); bổ sung thẩm quyền của UBND phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (điểm e khoản 1 Điều 13).

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), bổ sung thẩm quyền của UBND phường- Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội (Điều 14), dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội (Điều 49 và Điều 50) để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Trước ý kiến đề nghị không quy định về áp dụng pháp luật mà nên thể hiện theo quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, trong đó phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương và có phạm vi áp dụng chủ yếu chỉ giới hạn trong địa giới hành chính và trách nhiệm quản lý của TP. Thực tế, do không có quy định về áp dụng pháp luật nên rất nhiều quy định đặc thù trong Luật Thủ đô năm 2012 đã bị "vô hiệu" bởi các luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành sau đó. Do đó, việc Chính phủ đề xuất có điều quy định riêng về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật Thủ đô lần này là cần thiết, nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thi hành như đã nêu.

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), bổ sung thẩm quyền của UBND phường- Ảnh 3.

Với đa số đại biểu tán thành rất cao, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Về quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung mà đại biểu Quốc hội đề nghị là các yêu cầu cần phải bảo đảm trong quá trình tổ chức lập quy hoạch đã được quy định trong Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Việc xây dựng các đồ án Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô thời gian qua đã bám sát các yêu cầu này và Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các đồ án Quy hoạch này tại kỳ họp thứ bảy trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện đồng bộ với Luật Thủ đô, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc cho phép thành phố được thu tiền khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, thu phí cải thiện hạ tầng để bổ sung nguồn kinh phí tái đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng nói chung, bù đắp một phần chi phí duy trì, sửa chữa và vận hành các hạng mục để kết nối khu vực nhà ga và khu vực TOD là cần thiết và cũng là tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển.

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương và 54 điều

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về thử nghiệm có kiểm soát, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: (1) không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người (điểm b khoản 3 Điều 25); (2) đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng, trên cơ sở đó, HĐND TP sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm (khoản 5 Điều 25);

Quy định cụ thể hơn việc miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền (điểm d khoản 4, điểm h khoản 7 Điều 25); (4) bổ sung, chỉnh lý quy định về điều chỉnh, gia hạn, chấm dứt thử nghiệm và làm rõ chế độ báo cáo của UBND Thành phố, của cơ quan hướng dẫn quá trình thử nghiệm (điểm b và điểm e khoản 6, điểm e và điểm g khoản 7 Điều 25); (5) bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xem xét, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung thử nghiệm để hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc áp dụng chính thức (khoản 10 Điều 25).

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), bổ sung thẩm quyền của UBND phường- Ảnh 4.

Giây phút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn Thành phố thời gian qua (điểm c, điểm d khoản 2 Điều 33); bổ sung quy định chuyển tiếp về trách nhiệm bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã được giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (khoản 8 Điều 54)...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ, do Luật Thủ đô chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nên ngoài Luật này, Thủ đô vẫn chịu sự điều chỉnh của các luật, văn bản khác trong tổng thể hệ thống pháp luật. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các ý kiến tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới; đồng thời, cùng với Chính phủ, chính quyền TP Hà Nội tiếp tục quán triệt trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Luật Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 462 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,06%). Như vậy, với đa số đại biểu tán thành rất cao, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo Phi Long

VOV

Trở lên trên