MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm sở hữu chéo, doanh nghiệp 'sân sau' ngân hàng

29-11-2023 - 14:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Quốc hội yêu cầu có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng.

Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo

Sáng 29/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước , các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực.

Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tập trung ưu tiên, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập cho người lao động. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm sở hữu chéo, doanh nghiệp 'sân sau' ngân hàng - Ảnh 1.

Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết sáng 29/11. Ảnh Như Ý

Về lĩnh vực tài chính, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước. Rà soát, hoàn thiện pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Quốc hội yêu cầu lĩnh vực ngân hàng hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng.

Trong lĩnh vực công thương, cần khẩn trương ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện, xăng, dầu cho sản xuất và tiêu dùng. Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển điện năng lượng tái tạo; nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, mua bán điện, bảo đảm khách quan, minh bạch.

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong năm 2024, hoàn thành phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời hoàn thành rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Lĩnh vực giao thông vận tải, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình giao thông trọng điểm, dự án liên kết vùng. Trong quý II/2024, ban hành quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam. Trong năm 2024, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hệ thống thu phí điện tử không dừng và có giải pháp xử lý các vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT.

Lĩnh vực xây dựng cần bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề xuất đưa dự án Luật Quản lý và phát triển đô thị vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Trong năm 2024, hoàn thành phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong năm 2024, hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Thực hiện nghiêm việc bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Về lĩnh vực y tế, khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh; sớm trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế để đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế để khắc phục các bất cập, vướng mắc, nhất là trong thanh toán, quyết toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên