Quỹ đất khu công nghiệp tại Đồng Nai đang dần cạn kiệt
Quỹ đất trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai dần cạn kiệt, dẫn tới không đáp ứng được nhu cầu của DN muốn đầu tư.
- 11-03-2023So với Thái Lan, Indonesia, lượng tiêu thụ ô tô của Việt Nam cao thứ mấy Đông Nam Á trong tháng 1/2023?
- 11-03-2023Không phải linh kiện điện tử, đây là mặt hàng có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 2 tháng đầu năm
Năm 2022, lần đầu tiên trong vòng 30 năm trở lại đây tỉnh Đồng Nai rớt khỏi nhóm 5 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do quỹ đất trong các khu công nghiệp dần cạn kiệt, dẫn tới không đáp ứng được nhu cầu của DN muốn đầu tư. Trước tình hình này, tỉnh Đồng Nai đang tìm giải pháp khắc phục.
Khó thành lập khu công nghiệp mới
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay quỹ đất còn lại trong các khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh không còn nhiều, nhất là các khu công nghiệp ở những địa bàn trọng điểm như huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch, TP. Biên Hòa. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đang hoạt động và 1 khu công nghiệp đang được triển khai. Đến nay, diện tích đất trong khu công nghiệp đã cho thuê là khoảng 5.900 ha.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: Duy Phương.
Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, quỹ đất các khu công nghiệp đã lấp đầy khoảng 86%. Phần diện tích còn lại khoảng 300 ha, nhưng lại nằm rải rác nên rất khó đáp ứng yêu cầu của DN. Do đã cạn quỹ đất nên tỉnh Đồng Nai đang trình Trung ương thành lập các khu công nghiệp mới. Tuy nhiên, ông Cường nhận định việc này còn nhiều khó khăn và không thể xong sớm được.
“Việc thành lập các khu công nghiệp mới chưa biết khi nào mới “ra” được. Tỉnh đã trình ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mặt bằng, các khu công nghiệp cũ cũng có vướng mắc, khó khăn đã từ lâu nên công ty hạ tầng và địa phương chưa giải phóng được”, ông Cường cho biết.
Theo tìm hiểu, các khu công nghiệp mới đang trong quá trình thành lập gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu… Trong đó, đa số vấn đề bị vướng thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương. Chẳng hạn, khu công nghiệp Phước Bình 2 (huyện Long Thành) có khoảng 294 ha liên quan đến đất cao su nhưng do không có quy định về xử lý đất cao su nên tỉnh Đồng Nai phải chờ hướng dẫn của Bộ, ngành.
Loay hoay tìm giải pháp
Thống kê cho thấy, những năm gần đây lượng vốn FDI thu hút được có sự sụt giảm liên tiếp. Năm 2022, Đồng Nai thu hút vốn FDI đạt 1,15 tỷ USD trong khi năm 2021 là 1,3 tỷ USD và năm 2020 là 1,45 tỷ USD. Không chỉ vốn FDI, mà thu hút vốn đầu tư trong nước của tỉnh Đồng Nai cũng sụt giảm. Năm 2022, tỉnh thu hút 2.600 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, chỉ bằng 18% so với cùng kỳ 2021.
Ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhận định, mặc dù là tỉnh trọng điểm về công nghiệp của cả nước, nhưng sản lượng tiêu thụ điện năng chỉ tăng trưởng 7%, thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh là khoảng 9%. Theo ông Cường, đây là dấu hiệu báo động về kinh tế.
“Tỉnh không có dự án đầu tư mới, không tiêu thụ năng lượng sẽ rất khó để thu thuế vì sản xuất rất ít. Như vậy là dấu hiệu phát triển kinh tế sẽ không bền vững”, ông Cường nhận định.
Diện tích khu công nghiệp cũ gần đầy, trong khi các khu công nghiệp mới lại vướng mắc và còn thời gian lâu nữa mới hình thành. Trước mắt, Đồng Nai có một số giải pháp như thành lập tổ công tác đi ghi nhận tại từng địa phương, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án khu công nghiệp mới. Ngoài ra, Đồng Nai phấn đấu triển khai một loạt công trình giao thông trọng điểm để hoàn thiện hạ tầng kết nối.
Sắp tới Đồng Nai sẽ sàng lọc dự án đầu tư FDI. Ảnh: Duy Phương.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, tỉnh hướng tới thu hút các dự án đầu tư về lĩnh vực phát triển kinh tế thân thiện môi trường, các dự án có sự chọn lọc, chiếm ít diện tích đất, nhân công để hướng đến nền công nghiệp xanh.
“Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, do đó các dự án phải được sàng lọc về môi trường không để như trước đây. Xu hướng đầu tư mới sắp tới cũng sẽ thay đổi, lực lượng lao động được chọn lọc cũng phải có chất lượng”, ông Nguyên cho biết.
Các giải pháp tình thế của tỉnh Đồng Nai cũng chỉ giải quyết được trong ngắn hạn. Để phát triển bền vững, tỉnh Đồng Nai phải đặt ra tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch, có cơ chế thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả và tích cực hơn trong quảng bá hình ảnh địa phương để thể hiện mình là một điểm đến thân thiện, đầy hấp dẫn.
VOV