Lợi nhuận của Coteccons, Ricons và Hòa Bình đều sụt giảm mạnh trong năm 2020
Lũy kế cả năm 2020, Ricons đạt 251 tỷ đồng lãi ròng còn Coteccons đạt 463 tỷ đồng; trong khi đó lợi nhuận của Hòa Bình giảm sâu xuống còn 70 tỷ.
- 25-11-2020Xung đột kéo dài 4 năm đã kết thúc, Coteccons (CTD) còn lại gì?
- 31-10-2020Ricons: Quý 3 tiếp tục giảm sút phân nửa lợi nhuận về 54 tỷ đồng, "tất toán" sạch cả 1.000 tỷ phải thu với Coteccons và Unicons
- 14-10-2020Từ việc Coteccons "đổi tướng", nhìn lại ngành xây dựng Việt Nam: Ricons nhanh chóng đứng Top 3, tạo thế chân vạc lợi nhuận cùng 2 anh cả Coteccons và Hoà Bình
Xây dựng Ricons vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2020 với doanh thu 3.232 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn cao khiến lãi gộp giảm gần 12% so với cùng kỳ, biên lãi gộp vào mức 5,2% - đi ngang mức quý 4/2019.
Các chi phí không biến động nhiều, riêng khoản ghi nhận lãi lỗ từ công ty liên kết sụt giảm đáng kể - từ mức lời 33 tỷ (quý 4/2019) hiện lỗ hơn 4 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Ricons đạt 104 tỷ lãi ròng, cùng kỳ lãi gần 154 tỷ đồng.
Ghi nhận, ngành xây dựng đang trong giai đoạn giảm sút đã tác động lên tình hình kinh doanh chung của doanh nghiệp, Ricons không ngoại lệ. Dù vậy, cần nhấn mạnh quý 4/2020 là quý đầu tiên Ricons chính thức vượt mặt Coteccons về lợi nhuận ròng.
Là đơn vị được sinh ra và "nuôi nấng" từ "bầu sữa" Coteccons, Ricons những năm đầu mang chuẩn hình hài của mẹ: Doanh thu lợi nhuận tăng mạnh mẽ, cơ cấu không nợ vay. Từ năm 2017, lợi nhuận Coteccons liên tục sụt giảm, trong khi con số tại các đơn vị thành viên, đặc biệt là Ricons vẫn tăng trưởng khiến nội bộ Coteccons lục đục. Cụ thể là sự phản ứng gay gắt từ nhóm cổ đông lớn Kusto.
Sau nhiều lần phủ quyết những kế hoạch của ban lãnh đạo mà đứng đầu là ông Nguyễn Bá Dương: từ việc sáp nhập đến việc thay thế nhân sự chủ chốt, Kusto tháng 10/2020 đã chính thức nắm trọn Coteccons, đội ngũ gạo cội cũ lần lượt rời bỏ. Coteccons dưới tay chủ mới vấp phải nhiều quan điểm tiêu cực từ phía thị trường, và cần nhiều thời gian để nhìn nhận chiến lược rõ ràng của ban lãnh đạo mới.
Riêng năm 2020, lợi nhuận Coteccons đi đúng với kế hoạch hoạch định sẵn từ nhóm ông Dương với gần 600 tỷ LNTT. Chỉ riêng các chi phí quản lý, cụ thể là chi phí SG&A tăng bất thường gây nhiều bỏ ngỏ, theo giới phân tích điều này là bất thường trong bối cảnh biên lợi nhuận kinh doanh không tăng trưởng.
Riêng quý 4/2020, Coteccons đạt lãi ròng 94 tỷ đồng trong khi Ricons đạt 104 tỷ đồng.
Hầu hết "ông lớn" đều sụt giảm trước áp lực chung
Luỹ kế cả năm, Ricons ghi nhận 7.955 tỷ doanh thu, lợi nhuận ròng 251 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 30% so với năm 2019. So với kế hoạch 7.500 tỷ doanh thu và 250 tỷ lãi ròng, Công ty đi đúng với chủ trương ban đầu.
Cũng theo Ricons, dù nhiều năm liền đi chung với Coteccons, tuy nhiên quyết định rút khỏi công ty mẹ từ đầu năm 2020 sẽ không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Công ty. Ricons cũng đã tự phát triển hệ sinh thái Ricons Group và thay đổi nhận diện thương hiệu.
Mặt khác, ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 10/2020 cũng thông qua điều lệ mới, trong đó quy định chặt chẽ hơn về quyền đề cử ứng viên vào HĐQT và Ban kiểm soát Công ty. Liên quan đến kế hoạch niêm yết, đại diện Công ty cho biết đã gửi hồ sơ cho đơn vị tư vấn để hoàn tất các thủ tục và nộp hồ sơ lên HoSE, đang trong quá trình xem xét và chờ phê duyệt của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước. Dự báo, chậm nhất quý 2/2021 Ricons sẽ chính thức niêm yết.
Về phía Coteccons, năm 2020 ghi nhận 14.597 tỷ đồng doanh thu thuần, 463 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 38% và 35% so với năm 2019. Lên kế hoạch cho năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu (tương đương 23.052 tỷ đồng) và 5% lợi nhuận gộp.
Giữa bối cảnh toàn ngành xây dựng giảm sút, con số trên có thể xem là đầy thách thức cho Coteccons, chưa kể những gói thầu gần đây cũng doanh nghiệp không quá nhiều và lớn. Nói về chỉ tiêu này, phía Kusto không phủ nhận ngành xây dựng năm 2021 được dự báo với nhiều cơ hội và thách thức.
Song, từ đầu năm 2021, Coteccons đã ký kết nhiều hợp đồng mới, trở thành đối tác chiến lược cùng MBBank. Ngoài ra, Công ty cũng đang tái cơ cấu, trong đó không chỉ thuần là công ty xây dựng, Coteccons hướng đến mở rộng hoạt động sang EPC mảng tái tạo, tham gia triển khai giải pháp tài chính cho khách hàng như Finance - Design & Built, Finance & Built cũng như nhảy vào xây dựng ngành năng lượng tái tạo và điện gió. Những mảng mới theo ban lãnh đạo sẽ mang về doanh thu tốt cho tương lai.
Cuối cùng, một trụ thứ 3 trong ngành xây dựng, Hoà Bình (HBC) cũng kết thúc năm 2020 với chỉ số tương đối bi quan. Luỹ kế cả năm, HBC đạt 11.228 tỷ đồng doanh thu thuần, 70 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 40% và 83% so với năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất của doanh nghiệp từ năm 2015.
Năm 2020, Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, HBC đã thực hiện được 90% mục tiêu doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nói về ngành, theo giới chuyên gia, thị trường xây dựng Việt Nam đang ở cuối giai đoạn tăng trưởng, chuẩn bị bước vào thời kỳ tái cấu trúc với mức tăng dự đoán giảm nhẹ về 6,8%/năm đến năm 2028 (con số 10 năm trước là 7,1%). So với thế giới, mức tăng tại Việt Nam bỏ xa các thị trường bão hoà khác, đơn cử ở nước phát triển thị trường hiện chỉ tăng 1,7%/năm, con số trung bình ngành toàn cầu vào khoảng 3,4%/năm.
Sự chững lại và phân hoá của ngành thể hiện rõ trên chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. Ghi nhận, doanh thu lợi nhuận từ năm 2018-2020 của top 3 là CTD, HBC và Ricons liên tục sụt giảm đáng kể. Chưa kể, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, điều này dự kiến sẽ gây không ít khó khăn cho 1-2 năm tới.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Doanh nghiệp tang lễ duy nhất trên sàn: Doanh thu đều đặn trăm tỷ với cổ tức 16%/năm, hệ số PE chưa đến 2 lần
- KQKD năm 2020: Bất chấp khó khăn, các doanh nghiệp nhóm ngành bảo hiểm vẫn lãi lớn
- Bức tranh ngành phân bón năm 2020: Bất ngờ với nhiều doanh nghiệp lãi lớn
- Những cổ phiếu “đắt xắt ra miếng” trên TTCK Việt Nam
- Năm 2020 Top One lỗ lớn 88 tỷ đồng, tiếp tục bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến