MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định pháp luật còn 'đánh đố' doanh nghiệp

Doanh nghiệp mong muốn các quy định pháp luật cần rõ ràng, thống nhất trong hoạt độngsản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp mong muốn các quy định pháp luật cần rõ ràng, thống nhất trong hoạt độngsản xuất, kinh doanh.

Tình trạng "con gà - quả trứng" trong quy định pháp luật còn rất nhiều, doanh nghiệp không biết làm gì trước, làm gì sau, nhiều quy định còn chồng chéo lên nhau.

Quy định mâu thuẫn

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận xét, việc chồng chéo, khó dự báo là vấn đề lớn với chính sách hiện nay. Ông Hiệp dẫn ví dụ, Luật Quy hoạch đô thị quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt. Trong khi đó, Luật Đầu tư 2020 quy định, dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Như vậy chỉ một vấn đề liên quan đến hai luật này đã không thống nhất, không khác gì “đánh đố” doanh nghiệp, ông Hiệp đánh giá.

Hoặc trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động, trong đó có nhiều điểm không đồng nhất khiến doanh nghiệp và các cơ quan quản lý gặp khó khăn.

Hay trong Luật Kinh doanh bất động sản, Điều 57 quy định bên bán chỉ được thu tiền đến 95% giá trị hợp đồng khi bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng, nhưng ở Luật đất đai lại quy định phải nộp 100% tiền thì cơ quan quản lý mới được cấp giấy chứng nhận.

Các luật đều thòng một câu “nếu có mâu thuẫn, khác các luật khác thì áp dụng theo luật này”. Với doanh nghiệp và người dân thì không biết nên theo luật nào. Như vậy, đang có những rủi ro về mặt pháp lý, sự chồng chéo, vướng mắc trong cơ chế về soạn thảo văn bản pháp luật.

“Chúng tôi cho rằng trong lần rà soát, chỉnh sửa lại một loạt các luật quan trọng như hiện nay cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật để tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Giải quyết được vấn đề này là sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp khỏi các ách tắc, chờ đợi mất thời gian”, Chủ tịch VACC nói.

Lắng nghe ý kiến DN trong xây dựng pháp luật

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau khi tổng quát số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 2022, VCCI nhận định dù là có những chính sách tốt nhưng cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đều không biết áp dụng thế nào. Chẳng hạn, giảm VAT từ 10% xuống 8% thì do phụ lục hướng dẫn dựa vào mã HS cũng như phân loại ngành kinh tế nên “bản thân doanh nghiệp và các chi cục Thuế” đều thấy còn lẫn lộn, chồng chéo, khó áp dụng.

“Hay chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thì gặp rắc rối ở việc hướng dẫn “điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ lãi suất này là phải có khả năng phục hồi”. Cả doanh nghiệp lẫn các ngân hàng đều gặp rắc rối vì không biết như thế nào là một doanh nghiệp có khả năng phục hồi”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, quá trình xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật đang bị lạm dụng, đưa ra các yêu cầu quá cao, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, nhất là trong việc giải quyết những vấn đề nóng.

“Hay với trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định dù tốt, nhưng không có lộ trình áp dụng dẫn đến nghị định này như một cú “phanh gấp”, ông Đức nhận định.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, rủi ro pháp lý ở Việt Nam có nhiều khía cạnh, đó là thay đổi chính sách liên tục, doanh nghiệp khó đoán định.

Bà Thảo nhận định, rủi ro từ chất lượng văn bản được ban hành mới lớn hơn. Điều này được nhận diện rồi nhưng đến nay không khắc phục được. Các quy định vẫn chồng chéo, ban hành mới vẫn mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn ngành nghề kinh doanh công khai có hơn 227 ngành, nhưng thực tế nhiều hơn rất nhiều, cải cách vẫn mang tính hình thức nên rủi ro thực thi vẫn rất lớn.

Bà Thảo nhấn mạnh những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và cam kết quốc tế có liên quan. Từ đó, góp phần tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư kinh doanh và “khơi thông” các “điểm nghẽn” chính sách cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp là sự ổn định môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi.

“Tuân thủ pháp luật là bắt buộc nhưng cũng liên quan đến cách điều hành, vận hành, ban hành chính sách. Những doanh nghiệp lớn đầu ngành như những con tàu lớn, không thể phanh gấp nên rất cần môi trường kinh doanh ổn định”, Chủ tịch VCCI nêu rõ.

Theo Thu Trang

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên