MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch phải tạo động lực mới cho TP HCM

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng quy hoạch TP HCM phải nhận diện hết các điểm nghẽn, hạn chế và khai mở hết tiềm năng, động lực để thành phố phát triển.

Ngày 28-2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cùng UBND TP HCM tổ chức hội thảo tham vấn quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng chủ trì hội thảo.

Khắc phục điểm nghẽn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đánh giá TP HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn hàng đầu của cả nước nhưng thời gian qua, thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vai trò đầu tàu, dẫn dắt của TP HCM với vùng Đông Nam Bộ, với cả nước đang có chiều hướng suy giảm qua các năm, thời kỳ. Tổ chức không gian phát triển của thành phố còn nhiều bất cập, hạ tầng còn hạn chế trong thu hút đầu tư, kết nối nội vùng, liên vùng. Các bất cập này dẫn tới tính dẫn dắt của TP HCM chưa được phát huy tương xứng.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nêu rõ hạ tầng đô thị TP HCM đang quá tải, chậm phát triển hạ tầng ngầm, khiến chất lượng cuộc sống người dân không được tăng cao, đối mặt các vấn đề về ngập úng, ùn tắc giao thông… Do đó, quy hoạch lần này cần xác định được khâu đột phá để đưa TP HCM phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu tạo không gian mới, động lực mới, giá trị mới cho thành phố. "TP HCM hiện như một chiếc lò xo đang bị nén lại, khi làm quy hoạch chúng ta phải có giải pháp như thế nào để chiếc lò xo đó bật ra. Nếu được như vậy, tôi tin tưởng TP HCM sẽ phát triển rất nhanh, thậm chí tăng trưởng 2 con số" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố nhận lãnh vai trò trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Thành phố có trách nhiệm để xác lập vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình trong xây dựng, phát triển đất nước. Vì thế, quy hoạch phải nhận diện hết các điểm nghẽn, hạn chế hiện nay và khai mở hết tiềm năng, động lực để thành phố có thể đảm đương được các vai trò trên.

Tại hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu một số nét chính về quan điểm, mục tiêu và lựa chọn kịch bản phát triển trong quy hoạch. Theo đó, quan điểm, mục tiêu và lựa chọn kịch bản phát triển trong quy hoạch cơ bản bám sát Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về kịch bản phát triển kinh tế, đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn kịch bản cho cả giai đoạn 2021 - 2030 tăng trưởng 8,3%/năm. Đơn vị tư vấn lưu ý cần tháo gỡ hiệu quả các điểm nghẽn, tăng cường công nghiệp hóa, dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo để đạt được mục tiêu tăng trưởng này.

Về kịch bản phát triển hệ thống đô thị, đơn vị tư vấn đưa ra 2 kịch bản: Kịch bản 1 gồm 16 quận vùng đô thị trung tâm hiện hữu; TP Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Kịch bản 2 gồm 15 quận vùng đô thị trung tâm hiện hữu; TP Thủ Đức; 3 đô thị vệ tinh là Củ Chi + Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè + Cần Giờ + quận 7. Đơn vị tư vấn cho biết kịch bản 2 có nhiều ưu điểm khi hình thành và phát triển 3 thành phố vệ tinh kiểu mới - đô thị đáng sống, đồng thời bảo tồn khu sinh quyển Cần Giờ.

Phải đi đầu, dẫn dắt, lan tỏa

Các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng hồ sơ quy hoạch của TP HCM. Hồ sơ quy hoạch thể hiện được khát vọng phát triển của thành phố trong giai đoạn tới, xứng đáng với vai trò đầu tàu của vùng, của cả nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học góp ý thẳng thắn nhiều vấn đề còn băn khoăn, đề nghị đơn vị tư vấn, UBND TP HCM xem xét, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch.

TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng vấn đề tăng trưởng chậm lại của TP HCM đã thấy rõ và cần làm rõ mức tăng trưởng đó đã ảnh hưởng đến cả vùng, cả nước như thế nào. Đồng thời phân tích, làm rõ nguyên nhân của xu hướng tăng trưởng chậm, giảm thời gian qua để có giải pháp "đảo chiều". "Đây là vấn đề cốt lõi mà quy hoạch cần làm được, các năm tới phải có giải pháp thế nào để đột phá" - TS Cao Viết Sinh đặt vấn đề.

Về việc đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 tăng trưởng 8,3%/năm, TS Cao Viết Sinh đề nghị xem xét lại mục tiêu này, bởi mục tiêu này liệu đã tương xứng với vai trò, vị thế của TP HCM hay chưa. Ông cũng đề nghị khi lập quy hoạch cần lưu ý thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành thâm dụng lao động cần hạn chế để tạo không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. TS Cao Viết Sinh cũng cho rằng cần khắc phục điểm nghẽn về đất đai, tạo thêm không gian phát triển, từ đó có lợi thế thu hút đầu tư.

Ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group (BCG), cho rằng cần chú trọng hơn về các động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM giai đoạn tới. Ông Christopher Lewis Malone ví von TP HCM như một chiếc ô tô, chúng ta đang muốn nó chạy với tốc độ lên tới 150 km/giờ mà chưa quan tâm nhiều đến động cơ, thiết kế thế nào để bảo đảm vận hành được với tốc độ cao như vậy. Chuyên gia này đề nghị đơn vị tư vấn cần làm rõ hơn các động lực, thế mạnh của thành phố, như nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, khả năng thích ứng với sự dịch chuyển đầu tư hiện nay...

Kết luận hội thảo, đối với băn khoăn của các chuyên gia về kịch bản tăng trưởng được đề xuất còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của TP HCM, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến để lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao hơn và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng cao này.

Tán đồng với ý kiến của Chủ tịch UBND TP HCM, đề xuất, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng thành phố cần phát huy vai trò đi đầu, dẫn dắt, lan tỏa, cực tăng trưởng cho vùng động lực phía Nam và cả nước. 

Phấn đấu phê duyệt quy hoạch trước 30-6

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề xuất với Hội đồng thẩm định ngay sau hội thảo này, thành phố sẽ cùng đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch gửi xin ý kiến các bộ, ngành; đến cuối tháng 3-2024 sẽ trình Hội đồng thẩm định xem xét, cho ý kiến.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhất trí với lộ trình này và cho biết Hội đồng thẩm định dự kiến sẽ họp trong tháng 4-2024. Trên cơ sở ý kiến đánh giá, góp ý của hội đồng, TP HCM sẽ hoàn thiện và trình lại để Hội đồng thẩm định tiếp tục họp vào tháng 5-2024, trước khi hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30-6.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Cần đẩy mạnh đầu tư phát triển cho TP HCM

TP HCM có đủ tiềm lực, điều kiện để hướng đến mục tiêu, các kịch bản tăng trưởng cao hơn nhưng bị vướng bởi chưa có chính sách, thể chế đúng. Thành phố cũng không được trao đủ quyền, không được tự chủ đủ mức để có tư duy mới với dư địa chính sách, thể chế đặc thù đủ lớn nhằm giải quyết yêu cầu, mâu thuẫn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong lập quy hoạch lần này, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển cho TP HCM, bổ sung công cụ phù hợp, đủ hấp dẫn để huy động nguồn lực xã hội.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam:

Xem xét thấu đáo về khu đô thị biển Cần Giờ

Đồ án quy hoạch cần xem xét thấu đáo về khu đô thị biển Cần Giờ, làm sao để TP HCM có một khu thương mại, dịch vụ, du lịch tầm cỡ quốc tế. Song song với đó cần đặt vấn đề bảo vệ môi trường.

Tôi đề nghị đồ án quy hoạch làm rõ hơn các phương án kết nối với sân bay Long Thành (Đồng Nai). Sân bay này có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của TP HCM. Các tuyến kết nối TP HCM với sân bay Long Thành sẽ trở thành các trục phát triển kinh tế.

TS Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT):

Cân nhắc 13 tuyến đường sắt đô thị

Hồ sơ quy hoạch đặt mục tiêu phát triển 13 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 600 km, mục tiêu này cần xem xét kỹ lưỡng.

Khi đưa ra con số lớn như vậy, cần tính toán đến giải pháp nguồn lực. Đơn vị tư vấn cần đánh giá kỹ lưỡng, để tránh việc tham vọng quá lớn nhưng thực hiện khó.

M.Chiến ghi

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên