Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- 20-01-2023Hà Tĩnh đi lên từ nội lực con người
- 20-01-2023Lần đầu tiên Việt Nam thiếu đơn hàng cuối năm, tác động ra sao đến thu nhập lao động các ngành trong quý IV/2022?
- 20-01-2023Việt Nam luôn là đối tác kinh doanh tin cậy của Hong Kong (Trung Quốc)
Nghị quyết nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh.
Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.
Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70-75%, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp-xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 50%.
Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc-Nam, hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, hành lang kinh tế Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.
Phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; phấn đấu từ 3-5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hóa; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế-xã hội
Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội, tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế-xã hội; xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng để thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Định hướng phát triển vùng và liên kết vùng gồm có: Vùng trung du và miền núi phía Bắc, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 8-9%/năm.
Vùng Đồng bằng sông Hồng phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 9%/năm.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm.
Vùng Tây Nguyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm.
Vùng Đông Nam Bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 6,5-7%/năm.
Nghị quyết xác định phát triển vùng động lực phía Bắc, bao gồm Thủ đô Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, trong đó, thành phố Hà Nội là cực tăng trưởng.
Phát triển vùng động lực phía Nam, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 22, quốc lộ 13, quốc lộ 1, quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực.
Hình thành, phát triển vùng động lực miền Trung, bao gồm khu vực ven biển (các địa bàn cấp huyện từ đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đến biển) thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; trong đó thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực.
Hình thành, phát triển vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long bao gồm thành phố Cần Thơ, các địa bàn cấp huyện của các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp gắn với khu vực kết nối các tuyến đường cao tốc (cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Vĩnh Long, cao tốc An Hữu-Cao Lãnh, cao tốc Bắc-Nam phía Tây từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi) và thành phố Phú Quốc; trong đó thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng. Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục mở rộng phạm vi của vùng động lực gắn với cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Ngoài ra, từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng trung du và miền núi phía Bắc; khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) kết nối giữa miền Trung và đồng bằng sông Hồng; vùng Tây Nguyên; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và phụ cận).
VGP