MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch tổng thể quốc gia ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế có khả năng liên kết với quốc tế

Quy hoạch tổng thể quốc gia ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế có khả năng liên kết với quốc tế

Sáng 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tổng thể quốc gia có gì?

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai thiết lập ở Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, mục tiêu tổng quát của xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Đồng thời, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển.

Định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực. Cụ thể, về phát triển các hành lang kinh tế, Quy hoạch sẽ tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây.

Dự kiến có 2 hành lang Bắc – Nam. Trong đó, hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và QL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Hành lang thứ hai là hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang – Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.

Về các hành lang kinh tế Đông – Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi như có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế...; các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị…

Ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế. Trên các hành lang kinh tế sẽ định hướng bố trí các trung tâm kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị lớn, các cửa khẩu, các đầu mối giao thông quan trọng trên hành lang.

Về các vùng động lực, Bộ trưởng cho hay, hiện cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế có khả năng liên kết với quốc tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Tiến độ lập các quy hoạch đang được triển khai như thế nào?

Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, dự kiến, Bộ sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia trong tháng 3/2022 để xem xét trình Bộ Chính trị trong tháng 4/2022, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tháng 5/2022.

Sau đó, Bộ KH&ĐT sẽ khẩn trương phối hợp ngay với các bộ, ngành để hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia, dự kiến trình Chính phủ xem xét, thông qua trong tháng 7/2022, trình Quốc hội khóa XV phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ngoài ra, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội Khóa XV phê duyệt, Quy hoạch không gian biển quốc gia đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng, dự kiến trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua trong năm 2022.

Liên quan đến quy hoạch ngành quốc gia, đến nay, 4/38 quy hoạch đã được phê duyệt; 14/38 quy hoạch đã hoàn thành lập quy hoạch, lấy ý kiến trình thẩm định quy hoạch. Còn 20/38 quy hoạch, các bộ đã có báo cáo về tiến độ, kế hoạch cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để Bộ KH&ĐT tổng hợp, phấn đấu hoàn thành trình phê duyệt trước ngày 31/12/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 119/NQ-CP.

Đáng chú ý, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022. Quy hoạch của 5 vùng còn lại hiện đang trong quá trình hoàn thiện để trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch trong tháng 3/2022, phấn đấu hoàn thành dự thảo gửi xin ý kiến trong tháng 7-8/2022, hoàn thiện, trình tổ chức thẩm định trong tháng 9-10/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022.

https://cafef.vn/quy-hoach-tong-the-quoc-gia-uu-tien-phat-trien-cac-hanh-lang-kinh-te-co-kha-nang-lien-ket-voi-quoc-te-20220302125321387.chn

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên