MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy tắc cơ bản nhất trong xã giao: Thay vì 'ĐÃ XEM' rồi ậm ờ không trả lời lại, chi bằng thẳng thắn từ chối

14-12-2020 - 11:27 AM | Sống

Quy tắc cơ bản nhất trong xã giao: Thay vì 'ĐÃ XEM' rồi ậm ờ không trả lời lại, chi bằng thẳng thắn từ chối

Thế giới của người trưởng thành, nên đơn giản, rõ ràng, quyết đoán dứt khoát, đừng làm lỡ dở người khác, đừng làm lãng phí thời gian của họ, đó mới là lòng tốt thực sự.

01

Một cư dân mạng tên M. chia sẻ trải nghiệm của mình như này:

Trước đây, anh thường xuyên phải nhận những cuộc gọi từ số lạ để giới thiệu sản phẩm: "Xin chào anh, có thể xin 2 phút của anh không vậy ạ?"

Ban đầu khi nghe thấy câu nói này, M. ngay lập tức tắt điện thoại. Nhưng sau khi tắt máy, anh lại nghĩ:

"Mình làm vậy có quá đáng lắm không, người ta làm nghề này cũng không dễ dàng gì, nếu ai cũng tắt phụt điện thoại đi như mình, vậy người làm cái nghề này có khi nào trầm cảm luôn không?"

Nghĩ như vậy, M. quyết định lần sau nếu còn bị gọi, sẽ từ chối uyển chuyển hơn.

Điện thoại lại reo, sau khi nghe màn chào đầu của đối phương, M. lịch sự nói: "Xin lỗi, giờ tôi đang bận."

Đối phương nói: "Vậy em sẽ gọi lại cho anh vào lúc khác ạ."

Ngày thứ hai, họ lại gọi điện tới: "Xin chào anh, có thể xin anh 2 phút được không ạ?"

M. nói: "Xin lỗi, nhưng tôi đang họp nhé!"

Đối phương đáp: "Vậy để lúc khác em gọi lại cho anh ạ."

Ngày thứ 3, họ lại gọi tới: "Xin chào anh, có thể xin anh 2 phút được không ạ?"

M. ngại không từ chối thẳng thừng mà nói: "Được, cậu cần bao nhiêu thời gian? Nhưng tôi nói trước nhé, dù cậu có nói thế nào, tôi cũng không mua sản phẩm bên cậu đâu, cậu vẫn muốn lãng phí thời gian ư?"

Đối phương nhiệt tình trả lời: "Anh không mua cũng không sao ạ…"

Sau đó, M. kiên trì đối đáp với họ khoảng 10 phút, chốt lại vẫn là một câu nói lịch sự của đối phương: "Vâng, anh không mua cũng không sao ạ."

Mặc dù là vậy, nhưng ngữ khí hiển nhiên đầy sự không vui.

M lúc này mới cảm thán: "Rõ ràng là ý tốt, nhưng cuối cùng cả hai bên đều không vui vẻ gì, biết vậy từ chối thẳng thắn ngay từ đầu."

 Quy tắc cơ bản nhất trong xã giao: Thay vì ĐÃ XEM rồi ậm ờ không trả lời lại, chi bằng thẳng thắn từ chối  - Ảnh 1.

02

Thực ra trong rất nhiều chuyện, từ chối thẳng thừng còn tử tế hơn là uyển chuyển từ chối, từ chối thẳng thừng còn tốt hơn là không dứt khoát thể hiện thái độ gì.

Có một câu chuyện như này:

"Em trai tôi thích một cô bé học cùng trường. Tất cả những dịp đặc biệt hay quà bất ngờ mà các bạn nam hay làm cho các bạn nữ, cậu em tôi đều làm hết cho cô bé đó.

Buổi sáng mang cơm cho người ta, ngày lễ hay dịp đặc biệt gì cũng chuẩn bị quà.

Nhưng cô bé đó trước giờ chưa bao giờ thể hiện thái độ rõ ràng, không thích cũng không nói là không thích, nhưng tặng quà thì vẫn nhận. Hai người cứ "mập mờ" như vậy vài năm trời.

Không ngờ tới lúc cậu em tôi tính cầu hôn cô bé ấy thì lại nhận được câu trả lời rằng: "Em có bạn trai rồi, không nói với anh là vì sợ anh tổn thương."

Cô bé đó sợ em trai tôi tổn thương, cuối cùng là khiến cậu ấy tổn thương trong suốt một thời gian vô cùng dài."

Đáng sợ nhất không phải là bạn thẳng thắn từ chối, hay là người bị bạn thẳng thắn từ chối tổn thương, họ tất nhiên sẽ buồn sẽ đau, nhưng bạn càng sớm từ chối, họ càng sớm từ bỏ. Họ càng sớm từ bỏ, tổn thương sẽ càng mau lành.

Đáng sợ nhất không phải là thẳng thắn từ chối, mà là bạn cho người khác hi vọng, rồi cuối cùng cũng chính bạn là người không để họ thấy được tương lai.

Không thích thì nói thẳng ra là không thích, không thích thì đừng làm lỡ việc người ta đi tìm người mới, đây chính là sự tôn trọng cơ bản nhất dành cho một người.

 Quy tắc cơ bản nhất trong xã giao: Thay vì ĐÃ XEM rồi ậm ờ không trả lời lại, chi bằng thẳng thắn từ chối  - Ảnh 2.

03

Có một câu chuyện xảy ra ngay bên cạnh tôi.

Một cậu bạn cấp 3 của tôi, 5 năm trước muốn mua một căn hộ, nhưng tiền trả đợt đầu vượt quá khả năng kinh tế hiện tại, vì vậy mà cậu ấy tính đi vay bạn bè tiền.

Người bạn đó nói: "Hôm nay tôi lại không mang thẻ" (Khi ấy giao dịch online chưa phổ biến như hiện tại.)

Ngày thứ 2, cậu bạn lại chạy đi vay tiền.

Người bạn lại nói: "Chết rồi, hôm nay tôi lại quên thẻ nữa."

Ngày thứ 3, cậu bạn lại hớt hải đi tìm bạn mình vay tiền.

Người bạn đó lúc này lại bảo rằng: "Xin lỗi nhé, chúng tôi cũng đang định tiết kiệm để mua nhà…"

Cậu bạn tôi bực mình, chỉ còn cách đi tìm chỗ khác vay tiền.

Kết quả là ngày thứ 4, khi vay được tiền thì căn hộ lại đã bị người khác mua mất.

Cậu bạn tôi vô cùng tức giận, gọi điện nói với người bạn kia: "Cậu không muốn cho tôi vay thì nói luôn ngay từ đầu, hại tôi không còn nhà để mua nữa…"

Vì vậy, nếu bạn không muốn đồng ý với ai đó, hãy dứt khoát từ chối họ ngay từ đầu.

Bạn dứt khoát từ chối, chính là đang giao quyền lựa chọn cho đối phương, để cho đối phương nhiều thời gian dự bị hơn, để đối phương đi tìm nguồn giúp đỡ khác, đó mới là sự trách nhiệm với người ta.

 Quy tắc cơ bản nhất trong xã giao: Thay vì ĐÃ XEM rồi ậm ờ không trả lời lại, chi bằng thẳng thắn từ chối  - Ảnh 3.

04

Một tác giả viết lên trang cá nhân của mình rằng:

"Chúng ta đều là người lớn rồi, bạn không cần phải nói dối, vòng vo hay đi nói với người khác, tôi không tức giận khi bạn từ chối tôi, tôi chỉ bực mình vì bạn làm lãng phí thời gian của tôi."

Đọc xong dòng trạng thái này, tôi đã nghĩ rất nhiều.

Trước đây, mỗi khi gặp phải những chuyện mà tôi không muốn giúp, tôi luôn lo lắng rằng từ chối liệu có khiến người ta thấy khó xử, buồn bã, hay làm tổn thương tới quan hệ giữa đôi bên hay không, vì vậy mà thường từ chối kiểu vòng vo, hoặc là không xem không trả lời, bởi cá nhân tôi cho rằng, với người trưởng thành: "Không đáp lại thì chính là từ chối."

Nhưng thực ra, đối phương nhiều khi sẽ ngồi đó rồi đoán mò:

"Chắc là bận quá không thấy tin nhắn."

"Hay là vô tình bỏ qua mất rồi."

Hoặc là sẽ nói mấy câu kiểu như: "Để tôi hỏi ý kiến vợ xem sao", "để tôi nghĩ đã", "nếu hôm đó có thời gian thì ok" …

Nhưng cách làm như vậy, không những không tránh được việc khiến người ta buồn, mà ngược lại còn khiến đối phương rất không vui.

Vì vậy, sau khi đọc được dòng trạng thái của nhà văn kia, tôi đã ngộ ra:

Nếu không muốn đồng ý, hãy từ chối dứt khoát ngay từ đầu.

Không làm lỡ việc của người khác, mới là lòng tốt thật sự.

05

Trong một cuốn sách mang tên "Nghe Yang Jiang kể chuyện xưa" có nhắc tới một nhà xã hội học tên Fei Xiaotong.

Fei Xiaotong khi còn trẻ rất ngưỡng mộ Yang Jiang, nhưng Yang Jiang lại không hề có ý gì với ông.

Hai người họ khi đó học chung một trường, sau này, trước khi chuyển trường, Fei Xiaotong đã chạy tới tìm Yang Jiang và hỏi: "Chúng ta có thể làm bạn không?"

Yang Jiang biết tâm tư của Fei Xiaotong, nhưng bà không muốn làm lỡ chuyện hay lãng phí thời gian của ông, vì vậy đã thẳng thắn từ chối: "Có thể làm bạn, nhưng làm bạn phải là mục đích chứ không phải là phương tiện."

Sau này, khi chồng của bà qua đời, Fei Xiaotong tìm tới và ngỏ ý muốn tiếp tục mối lương duyên đã lỡ khi xưa.

Yang Jiang lúc này vẫn vậy, thẳng thắn từ chối: "Cầu thang không dễ đi, sau này, cậu cũng không cần phải "biết khó mà vẫn cố" như vậy nữa."

Nếu không yêu, đừng cho đối phương bất cứ hi vọng hay ám thị nào.

Tránh việc bạn động lòng nhất thời, còn người ta lại động cả chân tình!

 Quy tắc cơ bản nhất trong xã giao: Thay vì ĐÃ XEM rồi ậm ờ không trả lời lại, chi bằng thẳng thắn từ chối  - Ảnh 4.

06

Thế giới của người trưởng thành, cũng nên giống như Yang Jiang, đơn giản, rõ ràng, quyết đoán dứt khoát.

Đừng làm lỡ dở người khác, đừng làm lãng phí thời gian của họ, đó mới là lòng tốt thực sự.

"Xin lỗi, tôi không rảnh."

"Xin lỗi, việc này tôi không giúp được."

"Xin lỗi, tôi không muốn đi."

"Xin lỗi, tôi cũng đang rất mệt."

"Xin lỗi, nhưng tôi không thích bạn."

Đối diện với những việc mà mình không muốn làm, không sẵn sàng làm, thẳng thắn từ chối mới là sự dịu dàng lớn nhất. Tôn trọng thời gian, sức lực và cả tình cảm của đối phương, đó mới là có trách nhiệm với nhau.

Thẳng thắn từ chối tốt hơn trông thấy mà không trả lời, thẳng thắn từ chối tử tế gấp ngàn lần so với việc làm lỡ dở việc của người ta.


Theo Như Nguyễn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên