MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyền lực độc tài: Amazon giống như 'một con quái vật' phải được cho ăn mỗi phút

17-10-2021 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Quyền lực độc tài: Amazon giống như 'một con quái vật' phải được cho ăn mỗi phút

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đang thúc đẩy việc giải tán Amazon vì cho rằng công ty trị giá 1,7 nghìn tỷ USD nắm giữ quá nhiều quyền lực.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Amazon đã sử dụng quyền lực của mình để làm khó các doanh nghiệp nhỏ trước khi họ tìm được chỗ đứng". Đảng viên Đảng Dân chủ Massachusetts cho rằng thật không công bằng khi Amazon kiểm soát tất cả các nền tảng mà hãng bán các sản phẩm, như áo sơ mi, thức ăn cho thú cưng và giày thể thao.

Warren giải thích: "Bạn có thể đóng vai trò là trọng tài hoặc là cầu thủ trên sân, nhưng không thể là cả hai. Đây chính xác là những gì Amazon đang làm. Giải pháp ở đây là gì? Giải tán Amazon". Nhìn chung, Amazon, Facebook và Big Tech đã bị các chính trị gia từ cả hai Đảng chỉ trích, họ lo ngại về quyền lực khổng lồ mà những công ty này nắm giữ.

Riêng đối với Facebook, mối quan tâm chính của các nhà phê bình là phương tiện truyền thông xã hội này không đủ sức để ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch hoặc bảo vệ dữ liệu người dùng. Giám đốc điều hành của Salesforce, Marc Benioff gần đây đã nói với CNN rằng thông tin sai sự thật lan truyền như cháy rừng trên Facebook là nguyên nhân cho phần lớn những gì xảy ra tại Mỹ ngày nay, từ cuộc khủng hoảng khí hậu đến Covid-19. Facebook khẳng định họ đã thực hiện những cải tiến để ngăn chặn thông tin sai lệch, bao gồm cả các thuyết âm mưu về vắc xin.

Amazon sử dụng quyền lực để "gian lận"

Những người chỉ trích Amazon cho rằng công ty đã cạnh tranh với các cửa hàng bán lẻ và đối thủ khác một cách không công bằng.

Warren nói: "Một khi sự độc quyền bắt đầu phát triển thì sẽ tự trở nên ngày càng bành trướng. Amazon khởi đầu bằng việc chuyên mua bán sách, sau đó phát triển sang các sản phẩm khác và trở thành dịch vụ thống trị lĩnh vực giao hàng. Giờ đây, hãng giống như một con quái vật phải được cho ăn mỗi phút".

"Amazon đang kết hợp hai nguồn lực: sức mạnh kinh tế và chính trị. Sức mạnh kinh tế của họ đến từ sự thống trị của nền tảng nhưng họ mở rộng sự thống trị đó bằng cách sử dụng nền tảng để gian lận", Warren cho biết. "Sau đó, họ sử dụng quyền lực chính trị của mình để khiến các nhà chức trách không bắt họ phải chịu trách nhiệm".

Tuy Amazon không có phản hồi bình luận của Warren, nhưng một phát ngôn viên của công ty đã chia sẻ một số bài đăng trên blog từ một năm trước về việc đẩy lùi những âm mưu phá hoại công ty.

Đầu tiên, Amazon cảnh báo rằng "các quan niệm ngoài lề về chống độc quyền" sẽ "giết chết các nhà bán lẻ độc lập và giáng một đòn nặng lên người tiêu dùng" vì các doanh nghiệp nhỏ buộc phải rời khỏi các cửa hàng trực tuyến khiến giá cả tăng leo thang, đồng thời cắt giảm quyền lựa chọn và sự tiện lợi của người tiêu dùng.

"Tất cả các tổ chức lớn đều thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý và chúng tôi hoan nghênh sự giám sát đó", Amazon viết trong bài đăng. "Nhưng các công ty lớn không thống trị, và giả định rằng thành công chỉ có thể là kết quả của hành vi gian lận là sai lầm".

Bên cạnh đó, Amazon chỉ ra rằng họ chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng số 25 nghìn tỷ USD của thị trường bán lẻ toàn cầu và chưa đến 4% ở Mỹ. Công ty nói thêm rằng họ thậm chí không phải là nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ (mà là Walmart) và họ tập trung cạnh tranh với "các công ty lớn, lâu đời" như Target, Costco, Kroger, Home Depot và Best Buy.

Thông tin nội bộ

Warren đề cập đến một cuộc điều tra của Reuters, họ đã công bố một loạt tài liệu nội bộ của Amazon, cho thấy cách gã khổng lồ thương mại điện tử thực hiện "chiến dịch có hệ thống nhằm tạo ra hàng nhái và thao túng kết quả tìm kiếm" để thúc đẩy các dòng sản phẩm của riêng mình ở Ấn Độ, một trong những thị trường tăng trưởng lớn nhất của công ty. Báo cáo cho thấy các thương hiệu tư nhân của Amazon ở Ấn Độ đã khai thác dữ liệu nội bộ để sao chép các sản phẩm được bán bởi các công ty khác và sau đó đăng bán trên nền tảng Amazon.

Amazon đã bác bỏ thông tin Reuters đưa ra: "Những cáo buộc này là không chính xác và không có cơ sở. Amazon không dành thiên vị cho bất kỳ người bán nào trên nền tảng của mình".

Amazon cho biết họ có chính sách "nghiêm cấm sử dụng hoặc chia sẻ dữ liệu không công khai dành riêng cho người bán, kể cả với các thương hiệu tư nhân" và công ty sẽ xử lý bất kỳ báo cáo nào về việc nhân viên vi phạm chính sách này. Amazon nhấn mạnh rằng cách họ hiển thị kết quả tìm kiếm dựa trên mức độ liên quan đến truy vấn tìm kiếm của khách hàng, bất kể các sản phẩm đó có nhãn hiệu riêng do người bán cung cấp hay không.

Warren không hề ngạc nhiên vì bà không tin: "Làm thế nào Amazon có thể bán chạy quần áo đến vậy? Câu trả lời là họ có thông tin nội bộ về những gì người Ấn Độ đang mua. Hầu hết mọi người nghĩ về chống độc quyền chỉ đơn giản là lĩnh vực mà công ty nào đó đang hoạt động. Nhưng Amazon đã cho thấy là cách một công ty có thể thống trị trong một lĩnh vực và sau đó tận dụng điều đó để thống trị nhiều lĩnh vực".

Tất nhiên, nhiều người coi Amazon là câu chuyện về sự thành công. Được Jeff Bezos thành lập trong một ga ra vào năm 1994, Amazon hiện có giá trị cao hơn hầu hết các công ty khác trên hành tinh. Amazon cho biết họ đã tạo ra gần một triệu việc làm chỉ riêng tại Mỹ trong thập kỷ qua và mang lại nguồn thu lớn cho các cổ đông của mình.

Khi được yêu cầu đáp lại những lời chỉ trích rằng bà không tôn trọng công sức của Amazon, Warren chỉ cười: "Tôi yêu thị trường. Thị trường hoạt động dựa trên các quy tắc cạnh tranh, và Amazon đang không tôn trọng những quy tắc đó".

Linh Chi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên