Quyết toán ngân sách nhà nước: Hiệu quả phải được đánh giá bằng tiền
Các đại biểu quốc hội đề xuất nên rút ngắn thời gian quyết toán ngân sách hàng năm, đẩy nhanh chi cho các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như thay đổi cách tính đếm hiệu quả của nguồn chi ngân sách.
- 30-05-2024Kiểm toán Nhà nước đặt mục tiêu kiểm toán 100% báo cáo quyết toán ngân sách
- 27-05-2024Nghệ An gây bất ngờ về thu ngân sách 5 tháng
- 26-05-2024Toàn cảnh khu đất sẽ được xây dựng nhà máy LNG hơn 47.000 tỷ tại Quảng Ninh, tương lai đóng góp gần 58.000 tỷ vào ngân sách
Thảo luận tại tổ chiều 31/5, các ĐBQH góp ý kiến về phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2022, trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.
Ngân sách chi cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia đạt thấp
Cơ bản thống nhất với báo cáo quyết toán của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, song đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đề nghị Chính phủ lưu ý đến một trong những vấn đề đang triển khai rất chậm, nhất là việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
“Theo báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2022, quyết toán chi cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia chỉ đạt 37,7% là rất chậm và tỷ lệ giải ngân quá thấp. Đề nghị Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thực hiện hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình này”, đại biểu Long nêu.
Vấn đề thứ hai được đại biểu Nguyễn Công Long đề cập là tỷ lệ chuyển nguồn trong năm 2022 quá lớn. Dẫn báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách về việc chuyển nguồn ngân sách Trung ương, sau khi loại nguồn ngân sách cho cải cách tiền lương năm 2022, ngân sách chuyển sang năm 2023 còn tới trên 245.000 tỷ, tỷ lệ chiếm tới 85,3% quyết toán của bội chi ngân sách Trung ương.
“Đây là vấn đề được các cử tri và địa phương rất quan tâm và đề nghị Chính phủ hết sức lưu ý việc này để quản lý chặt chẽ số vốn chuyển nguồn. Nguồn vốn ngân sách năm trước chuyển sang năm sau cứ quá lớn như hiện nay gây ra khó khăn, khi chưa biết quản lý, sử dụng nguồn này như thế nào để đảm bảo kỷ luật sử dụng chi ngân sách Trung ương, ngân sách Nhà nước”, đại biểu Nguyễn Công Long đề cập.
Chưa đồng tình với thời điểm quyết toán kéo dài như hiện nay, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) cho rằng, đến năm 2024 mới quyết toán NSNN năm 2022 (cách nhau 18 tháng) trong điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay là thời gian quá xa. Do đó, nên quyết toán NSNN nên cố gắng thực hiện trong vòng 1 năm, quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố trong vòng 6 tháng, ngân sách của huyện theo từng tháng để đảm bảo hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cũng lưu ý đến cơ chế thu hồi các khoản chuyển nguồn không đúng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Theo quy định, HĐND các tỉnh phải tổ chức thực hiện thu hồi trước khi quyết toán, nhưng đến nay vẫn còn 12 địa phương không kịp thực hiện các nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
“Kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế này kèm theo danh mục của những địa phương chậm thực hiện. Trên cơ sở đó, trong năm 2024 các địa phương phải tiếp tục triển khai thực hiện theo kết luận cũng như quy định của Luật Kiểm toán”, đại biểu Toàn đề nghị.
Hiệu quả của ngân sách phải được đánh giá bằng tiền
Đánh giá về tính hiệu quả của nguồn NSNN thời gian qua, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) nêu ý kiến, sẽ rất khó để có một bộ chỉ số để đánh giá hiệu quả chung của NSNN hàng năm. Cho nên cần tập trung đánh giá hiệu quả riêng biệt của từng khoản chi sử dụng ngân sách hàng năm đã phân bổ. Đặc biệt là đối với những khoản chi tăng thêm, cần đánh giá đúng về hiệu quả kinh tế khi chi ra một nguồn tiền, đến khi nhận lại khoản tiền đó sẽ có thay đổi như thế nào. Việc này sẽ dễ hơn là đánh giá hiệu quả ngân sách của cả một tỉnh hay là cả một Bộ, ngành.
“Đơn cử như chi ngân sách tăng thêm cho dự án giao thông của một địa phương, cần có kết quả đánh giá hiệu quả từ dự án giao thông đó như thế nào, số thu ngân sách của địa phương đó tăng lên bao nhiêu khi phương tiện lưu thông tăng thêm. Từ đó kết quả đó lại đối chiếu với những địa phương khác khi không đầu tư dự án, có như vậy mới thấy rõ được hiệu quả của nguồn ngân sách”, đại biểu Cảnh nêu.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, quyết toán ngân sách hàng năm phải chỉ ra được tính hiệu quả của quá trình chi, phân bổ và sử dụng ngân sách. Vì là ngân sách cho nên hiệu quả phải được kiểm đếm bằng tiền, không dựa trên các khoản tăng thu hay tăng chi để đánh giá hiệu quả vì như thế rất khó sát thực.
“Từ việc đảm bảo hiệu quả của việc thu và chi ngân sách cho một lĩnh vực hay một địa phương, dần sẽ mở rộng ra để phát huy tính hiệu quả cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hay nhiều địa phương khác. Tiến tới các khoản ngân sách được nhận cũng cần phải được đấu giá, bởi khi đấu giá các ngành, lĩnh vực hay địa phương đều muốn chứng tỏ hiệu quả, nhưng nếu không đạt được sẽ khiến uy tín, tín nhiệm giảm thấp sẽ không được ưu tiên khi muốn xin thêm hay giữ lại nguồn thu ngân sách hàng năm”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu biện pháp khả thi.
VOV