Rà soát toàn bộ nhà cổ ở Hà Nội sau sự cố sập nhà
Sáng 2/7, căn nhà số 56 phố Hàng Bông (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị sập ban công và một phần mặt tiền phía ngoài tầng 2 khiến một người bị mắc kẹt và gây náo loạn khu phố.
Ông Thăng - một nhân viên bảo vệ gần đó chứng kiến cho biết, hôm trước một nhóm thợ tiến hành lắp đặt biển quảng cáo phía ngoài ngôi nhà. Khoảng 4h ngày 2/7, họ tháo dỡ di chuyển giàn giáo ra khỏi khu vực thi công.
“Một tiếng sau đó, lúc 5h người dân phát hiện phần ban công của ngôi nhà có dấu hiệu nứt và sắp đổ sập xuống dưới vỉa hè phố Hàng Bông. Người dân cũng được cảnh báo không đi phía bên dưới để đảm bảo an toàn và thông báo sự việc tới cơ quan chức năng” - ông Thăng nói.
Cũng theo ông Thăng, đến gần 8h toàn bộ ban công và tường gạch mặt tiền tầng 2 đổ sập xuống vỉa hè phát ra tiếng động rất lớn khiến mọi người hoảng hốt.
Nhận tin báo, UBND quận Hoàn Kiếm đã huy động các lực lượng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, Công an quận, Ban chỉ huy Quân sự quận và phường Hàng Gai tham gia ứng cứu. Công an quận Hoàn Kiếm huy động 1 xe cứu hộ cùng cán bộ chiến sĩ tới hiện trường triển khai công tác cứu hộ cứu nạn. Sau khoảng 10 phút lực lượng cứu nạn cứu hộ đã đưa được một người bị mắc kẹt bên trong là ông Trần Trung Đúng (SN 1959 - nhân viên bảo vệ) ra bên ngoài an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, ngay sau khi khắc phục hiện trường xong, UBND quận tổ chức họp yêu cầu các đơn vị báo cáo có phương án đảm bảo an toàn cho bản thân ngôi nhà và các công trình liền kề. Đặc biệt đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản các hộ dân trong khu vực.
Hiện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm việc quản lý nhà cũ nhà cổ thực hiện theo quyết định của UBND thành phố. Đây là sự việc đáng tiếc xảy ra do ngôi nhà quá niên hạn sử dụng do đó về phía Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm sẽ có trách nhiệm phối hợp với các UBND phường rà soát các ngôi nhà xuống cấp trước mùa mưa bão.
Theo báo cáo của Xí nghiệp quản lý phát triển nhà, ngôi nhà xảy ra sự cố được xây dựng từ rất lâu có thể trước những năm 1954 và đã xuống cấp. Do đó, việc sụp đổ là do ngôi nhà đã có niên hạn sử dụng rất lâu.
Tiền phong