MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rabobank: Nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng cao kỷ lục trong năm 2020

21-02-2020 - 11:36 AM | Thị trường

Theo Rabobank, trong năm 2020, nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia châu Á sẽ tiếp tục tăng, trong đó nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc sẽ lên cao kỉ lục.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 tuần đầu tháng 02/2020, giá thịt lợn tại thị trường trong nước giảm. Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc ngày kết thúc tuần thứ 2 của tháng 02/2020 dao động trong khoảng 75.000 - 82.000 đồng/kg, thấp hơn mức cao nhất đầu tuần khoảng 4.000 đồng/kg. Tại miền Trung, giá lợn hơi dao động từ 75.000 - 81.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi có xu hướng giảm sâu hơn, từ 75.000 - 82.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả. Trong đó, nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hà Nội… Tổng đàn lợn cả nước là 24 triệu con, trong đó khoảng 2,7 triệu con lợn nái. Trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi thì chăn nuôi trong nước có khả năng bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn.

Trên thị trường thế giới, từ đầu tháng 02/2020 đến nay, giá lợn nạc tại Mỹ biến động ở mức thấp. Trung Quốc và Mỹ đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc trong thời gian tới, tuy nhiên do Covid-19 tại Trung Quốc bùng phát, nên tiến độ xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sẽ chậm lại.

Trong năm 2019, thị trường lợn thế giới chao đảo vì khủng hoảng giá và thiếu hụt nguồn cung khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát tại nhiều nhà sản xuất lợn lớn trên thế giới ở Trung Quốc, Việt Nam, Philippines. Sự lây lan của dịch ASF tại Trung Quốc, các quốc gia khu vực châu Á, châu Âu và châu Phi đã làm thay đổi triển vọng ngành thịt lợn trên thế giới.

Theo báo cáo mới công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2019 đàn lợn của thế giới đã giảm 14,6% so với năm 2018, xuống gần 1,1 tỉ con; số lợn tại Trung Quốc giảm tới 28,5%, xuống còn 490 triệu con. Tại EU, đàn lợn cũng giảm nhẹ 0,2%, xuống còn 226,5 triệu con trong năm 2019.

Ngoài Mỹ, Brasil, Canada, Hàn Quốc,México, Nhật Bản thông báo sản lượng đàn lợn tăng từ 1,5 – 4,5% so với năm 2018, các quốc gia nuôi lợn khác ghi nhận số lượng lợn giảm gần 20% xuống 51 triệu con.

Theo USDA, sản lượng thịt lợn thế giới năm 2019 ước đạt 106 triệu tấn, giảm hơn 6% so với năm 2018. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi tại nhiều nước, trong khi chưa điều chế được vắcxin phòng và thuốc chống bệnh dịch.

Dịch ASF đã ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thế giới trong năm 2019, với lượng tiêu thụ giảm hơn 6% so với năm 2018, xuống còn 106 triệu tấn. Trong khi, tổng khối lượng nhập khẩu thịt lợn trên thế giới trong 2019 tăng 12,4% so với năm 2018, lên 8,9 triệu tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất trên thế giới, với tổng khối lượng nhập khẩu đạt 2,6 triệu tấn

Theo dự báo của Rabobank, trong năm 2020, nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia châu Á sẽ tiếp tục tăng, trong đó nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc sẽ lên cao kỉ lục trong năm 2020. Mỹ, Canada, Brasil, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Ý sẽ là những nhà hưởng lợi lớn. Rabobank cũng dự báo, sản xuất thịt lợn tại Hoa Kỳ năm 2020 tăng 3,2% so với năm 2019, chủ yếu do tăng trưởng quy mô đàn lợn thịt và tăng trưởng năng suất ở mức vừa phải.

Ngoài ra, báo cáo từ USDA cũng ước tính sản lượng thịt lợn của thế giới trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 9% so với năm 2019, xuống còn 96 triệu tấn; trong khi tiêu thụ cũng tiếp tục giảm 8,8%, xuống còn 96 triệu tấn. Tuy nhiên thương mại thịt lợn dự kiến sẽ tăng, với khối lượng nhập khẩu tăng 11% so với năm 2019 và khối lượng xuất khẩu dự báo tăng 9,3% so với năm 2019.

Quỳnh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên