Rào cản nào đang “níu chân” doanh nghiệp tiếp cận thương mại điện tử?
Chi phí, thông tin, quy định tại thị trường nhập khẩu và năng lực là những yếu tố đang “níu chân” doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn với thương mại điện tử.
- 09-06-2023Lần đầu tiên tổ chức hội nghị ứng dụng AI trong tăng trưởng kinh tế
- 09-06-2023Cơ quan chức năng cảnh báo người dân khi nhận được cuộc gọi từ những số điện thoại này
- 09-06-2023WhatsApp cho ra mắt tính năng mới
Theo bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện từ và Kinh tế số, Bộ Công Thương, hơn 1 năm trở lại đây những khó khăn của nền kinh tế thế giới như lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng suy giảm đã ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp Việt Nam. Những thách thức này đặt doanh nghiệp vào tình thế buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để duy trì sản xuất, xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong đó thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới là ưu tiên hàng đầu.
Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm Việt Nam được xếp vào nhóm năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng năm 2026.
Cũng theo lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, dù đã tiếp cận với thương mại điện tử xuyên biên giới tuy nhiên doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản. Đầu tiên là quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu; năng lực của nhân lực trong phát triển sản phẩm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh thị trường toàn cầu. Cùng đó là rào cản về chi phí và rào cản về thông tin.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho hay: Việt Nam đang ở giai đoạn mới trong quá trình chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online, do vậy vẫn còn nhiều khoảng hở về chính sách cần khắc phục. Amazon đang tích cực tham chiếu môi trường kinh doanh của các quốc gia có thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển, lắng nghe ý kiến của các nhà bán hàng tại Việt Nam và truyền tải tới các cơ quan Chính phủ của Việt Nam để nghiên cứu và xây dựng chính sách cho thương mại điện tử phù hợp và hoàn thiện, từ đó tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đại diện Amazon cũng cho hay: Năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đạt trên 80.000 tỷ đồng. Riêng với Amazon, năm 2022 số doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng tăng 80% so với năm trước, kim ngạch tăng 45%, 10 triệu sản phẩm made in Việt Nam đã được bán ra cho khách hàng toàn cầu.
“Theo khảo sát của Amazon, 82% doanh nghiệp tham gia khảo sát có sử dụng website hoặc ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ xuất nhập khẩu”, ông Gijae Seong nói. Ông cũng đồng thời thông tin, số lượng thương hiệu Việt Nam đăng ký thương hiệu trên Amazon tăng gấp 7 lần trong 3 năm qua.
Thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đầu tiên là giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được thông tin của khách hàng, cải tiến về sảm phẩm đáp ứng nhu cầu nhanh hơn. Thứ hai, chuyển đổi số và toàn cầu hoá cùng cộng hưởng không chỉ giúp toàn cầu hoá sản phẩm mà còn toàn cầu hoá thương hiệu sản phẩm.
“Amazon khuyến khích chuyển đổi tư duy, không chỉ gia công mà còn xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và kinh doanh bền vững hơn trên thị trường thế giới”, ông Gijae Seong thông tin. Amazon đặt ra và nỗ lực thực hiện 5 mục tiêu nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong đẩy nhanh ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, gồm: Tăng nhận thức và sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới; đóng góp vào sự phát triển khởi nghiệp Việt Nam; xây dựng thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm made in Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ hậu cần của Amazon và cuối cùng là kết nối cộng đồng nhà bán tại Việt Nam.
Đồng hành cùng các sàn thương mại điện tử lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, áp dụng hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới trong kinh doanh, bà Lại Việt Anh cũng cho hay: Chính phủ đã đưa ra các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu trực tuyến, như: Hỗ trợ tới 50% giá trị hợp đồng tư vấn đăng ký thành công tài khoản đăng bán sản phẩm; hỗ trợ 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế...
Riêng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vẫn đang đẩy mạnh triển khai các đề án hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tham gia thương mại điện tử; ký thoả thuận cùng Amazon triển khai Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026. Trong năm 2022, đã có 1.300 doanh nghiệp tham gia chương trình. Mục tiêu, trong năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo và hoạt động thực tế nhằm nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử xuyên biên giới.
Báo Công Thương