Rất khó phát hiện tình trạng cố tình sở hữu che giấu, sở hữu hộ cổ phần ngân hàng
Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó tỷ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa khắc phục xong.
Chiều nay (22/5), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Khó phát hiện tình trạng cố tình sở hữu che giấu, sở hữu hộ cổ phần ngân hàng
Qua quá trình tổng kết, đánh giá Đề án 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 cho thấy việc các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng yếu kém trên thực tế trong thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó yếu tố chủ yếu là các vấn đề sau: Năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động;
Tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.
Thực tiễn cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể. Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp.
Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó tỷ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa khắc phục xong.
Không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ NH trước các rủi ro pháp lý
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập cụ thể:
Thứ nhất, quy định về thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước khi xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ: Luật các tổ chức tín dụng 2010 đã có quy định cụ thể về việc Ngân hàng Nhà nước có quyền trực tiếp mua cổ phần bắt buộc và giao Thủ tướng Chính phủ quy định về việc mua cổ phần bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện quy định này còn có nhiều ý kiến khác nhau, dẫn đến khó khăn lớn cho Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện; Luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có quy định trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng phục hồi.
Thứ hai, tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém còn hết sức khó khăn do chưa có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù của tổ chức tín dụng yếu kém. Những yếu kém căn bản chưa được giải quyết hiệu quả đối với các ngân hàng thương mại yếu kém đã được mua bắt buộc, như quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này hiện rất lớn. Việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó khăn, chưa đạt được kết quả đáng kể. Nguyên nhân của tồn tại này do nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là do chưa có khuôn khổ pháp lý về các biện pháp phục hồi, củng cố hoạt động đối với các tổ chức tín dụng yếu kém. Hay nói cách khác, cơ sở pháp lý hiện hành về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa đồng bộ, chưa toàn diện, chưa có các quy định pháp luật cụ thể để thực hiện các biện pháp phục hồi, củng cố tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc thù của tổ chức tín dụng yếu kém nói chung, ngân hàng mua bắt buộc nói riêng, cụ thể:
Các tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và các ngân hàng mua bắt buộc nói riêng không thể đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động và không đủ điều kiện đáp ứng về giới hạn cấp tín dụng, điều kiện huy động vốn, ... để triển khai một số hoạt động kinh doanh như một tổ chức tín dụng bình thường do thực trạng tài chính yếu kém. Tuy nhiên, hiện nay, Luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có các quy định cụ thể về: Điều chỉnh hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt, nên việc triển khai các biện pháp phục hồi gặp nhiều khó khăn, khó có thể phục hồi được tổ chức tín dụng yếu kém; Điều chỉnh quan hệ cho vay, gửi tiền, mua bán nợ... giữa tổ chức tín dụngđược kiểm soát đặc biệt với tổ chức tín dụng khác, do vậy, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác cho tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt còn hạn chế.
Để đảm bảo triển khai cơ cấu lại để phục hồi các ngân hàng mua bắt buộc, vai trò tham gia của ngân hàng hỗ trợ là hết sức quan trọng và cần thiết trên các mặt hỗ trợ về quản trị, tài chính, tổ chức,...Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp luật quy định cụ thể và đầy đủ về quyền và trách nhiệm của ngân hàng hỗ trợ. ...
Theo nhận định của Chính phủ, việc khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng (bao gồm cán bộ tham mưu của NHNN, các nhân sự của TCTD được NHNN chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc) khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của NHNN do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý TCTD yếu kém.
“Trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém, bao gồm cả việc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt”, báo cáo cho hay.
Do đó, theo Chính phủ, để xử lý các vướng mắc, bất cập nêu trên thì việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định tại Luật các TCTD để xử lý các vấn đề đặc thù trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD yếu kém là cần thiết.